Những ngày gần đây, số lượng lợn hơi về các chợ đầu mối ở Hà Nội và TP.HCM đang tăng nhanh, cho thấy nguồn cung thịt lợn đang tăng cao cho nhu cầu Tết Nhâm Dần. Nếu bình thường, thành phố Hà Nội tiêu thụ khoảng 7.000-8.000 con lợn, thì những ngày này mỗi ngày có hơn 20.000 con lợn được đưa về Hà Nội và sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong 2 ngày cuối năm âm lịch.
TẬP TRUNG THU HOẠCH LỢN, GÀ VÀ CẤY LÚA
Số lượng gà được các thương lái đưa về các chợ ở Hà Nội cũng tăng rất mạnh, đặc biệt là gà ta trống phục vụ cho nhu cầu cúng Tết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tiêu thụ thịt lợn trên cả nước trong dịp Tết Nhâm Dần có thể sẽ tăng 10-12% so với các tháng trước, nhưng có thể không cao như mọi năm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Tổng cục Thống kê, chăn nuôi bò trong tháng đầu năm phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn đang dần khởi sắc do giá thịt lợn hơi trong tháng tăng so với tháng trước, nhờ đó số lượng lợn tăng 1,8% so với tháng 1 năm trước. Chăn nuôi gia cầm cũng phát triển tốt với số lượng tăng 1,9%.
Các cơ sở chăn nuôi giữ quy mô ổn định, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dự báo thời tiết trong thời gian tới xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại đặc biệt tại các địa phương phía Bắc, do đó người chăn nuôi cần chủ động chuẩn bị chống rét cho đàn vật nuôi.
Tính đến ngày 23/01/2022, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng chỉ còn ở Hà Tĩnh; dịch tả lợn châu Phi còn ở 35 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở Bến Tre chưa qua 21 ngày. Dịch bệnh đang dần được khống chế đã tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển thuận lợi.
Hiện nông dân cả nước đang trong những ngày khẩn trương gieo cấy lúa đông xuân. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/01/2022, cả nước gieo cấy được 1.909,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 132,1 nghìn ha, bằng 201,5% do thời tiết thuận lợi mưa ẩm và lạnh vừa phải nên tiến độ gieo cấy lúa được đẩy nhanh; các địa phương phía Nam đạt 1.777,7 nghìn ha, bằng 101,3%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.436,6 nghìn ha, bằng 100,6%.
Để tăng hiệu quả sản xuất, bà con nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại miền Bắc, các địa phương cần sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để tranh thủ lấy nước, tích nước trong hệ thống, đủ nước phục vụ sản xuất, đảm bảo tiến độ gieo cấy trà lúa đông xuân còn lại.
Tại các địa phương phía Nam, người dân được khuyến cáo tăng cường áp dụng gói kỹ thuật “một phải - năm giảm” giúp giảm chi phí tưới tiêu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.
Diện tích một số cây rau màu vụ đông xuân giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khoai lang và đậu tương giảm mạnh chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Các loại cây rau đậu và lạc có diện tích tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
SẢN LƯỢNG THỦY SẢN TĂNG NHẸ
Với ngành thủy sản, ngư dân đang tích cực ra khơi bám biển phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán. Người nuôi thủy sản các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch xong vụ lúa - tôm, tập trung cải tạo ao nuôi bắt đầu cho niên vụ mới.
Sản lượng thủy sản tháng 1/2022 ước tính đạt 589,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 433,1 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 57,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; thủy sản khác đạt 99,3 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 01 ước tính đạt 321,3 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 233 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 47,3 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Hiện tại, giá cá tra có tín hiệu phục hồi sau hơn 2 năm liên tiếp ở mức thấp, cá tra nguyên liệu loại 0,8 - 1,1 kg/con tại Đồng bằng sông Cửu Long có giá dao động từ 23.000-24.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp chế biến cá tra đã dần thích nghi với sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Sản lượng cá tra tháng 01/2022 ước tính đạt 107 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến trung tuần tháng 1/2022, giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu giảm nhẹ 2.000 - 3.000 đồng so với tháng trước, loại 100 con/kg dao động ở 90.000 - 100.000 đồng/kg; cỡ 80 con/kg dao động ở 110.000 - 120.000 đồng/kg; giá tôm sú tương đương so với tháng trước, loại 20 con/kg dao động trong khoảng 240.000-260.000 đồng/kg.
Các địa phương phát triển nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm - lúa; từng bước phát triển nuôi ven biển và những nơi có điều kiện môi trường nuôi tôm.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 01/2022 ước tính đạt 27,4 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 15,7 nghìn tấn, giảm 0,6%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 01/2022 ước tính đạt 268,6 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 200 nghìn tấn, tăng 0,3%; tôm đạt 10,2 nghìn tấn, tăng 1%; thủy sản khác đạt 58,3 nghìn tấn, tăng 1,6%.
Thời tiết ngư trường tháng đầu năm nhìn chung thuận lợi. Đây là tháng cận Tết nên ngư dân tích cực bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 255,1 nghìn tấn, tăng 0,6%, trong đó: Cá đạt 191,2 nghìn tấn, tăng 0,3%; tôm đạt 9,3 nghìn tấn, tăng 1,1%.
Đối với ngành Lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước trong tháng 1/2022 ước tính đạt 7,3 nghìn ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 3,8 triệu cây, tăng 1%.
Diện tích rừng trồng mới tập trung tăng cao chủ yếu ở Phú Thọ, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung. Sản lượng gỗ khai thác tháng 1/2022 ước tính đạt 940,5 nghìn m3, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 1,5 triệu ste, giảm 0,4%.
Các tỉnh có sản lượng gỗ khai thác cao như Quảng Ngãi 113,4 m3, tăng 7,1%; Quảng Trị 72,5 m3, tăng 6,8%; Nghệ An 39,9 m3, tăng 12,3%.
Trong tháng 01/2022, diện tích rừng bị thiệt hại là 55,7 ha, giảm 51,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do cháy rừng giảm nhiều. Trong đó. ước tính diện tích rừng bị cháy là 1,8 ha, giảm 97,1%; diện tích rừng bị chặt, phá là 53,9 ha, tăng 3%.
Thời điểm này, sản xuất lâm nghiệp đang tập trung vào các hoạt động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Nhâm Dần cũng như tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2022.