Tại tỉnh Nghệ An, theo thông tin từ UBND xã Nậm Giải cho biết một vết nứt dài đã xuất hiện tại núi Pù Mèo, thuộc địa bàn bản Pục, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Vết nứt trên núi Pù Mèo dài khoảng 100m, rộng 20 – 40cm, có chỗ sâu khoảng 10m được phát hiện vào 11h hôm ngày 29/9.
Sau khi xuất hiện tình trạng sạt lở ở khu vực này, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an, quân sự nhanh chóng có mặt tại hiện trường kiểm tra tình hình. Vết nứt ảnh hưởng trực tiếp đến hộ ông Lữ La Nhất với 4 nhân khẩu và 3 hộ khác nên lực lượng chức năng đã tổ chức di dời cả người và tài sản đến nơi an toàn.
Tại khu vực xã Nậm Giải trước đó có mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 4 gây ra. Mấy ngày gần đây, lượng mưa ở bản Pục đã giảm song đến trưa 29/9, bất ngờ xuất hiện vết nứt trên núi Pù Mèo. Bản Pục, xã Nậm Giải, có 90 hộ dân với 360 nhân khẩu. Các hộ dân sống cách núi Pù Mèo khoảng 30m.
Tại tỉnh Ninh Bình, khu vực đồi Vẽo, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan diện tích đất đồi đã bị rạn nứt, gãy tầng 2 vị trí, bề ngang vết nứt 30 cm, chiều sâu khoảng 40cm với tổng chiều dài khoảng 380m (vị trí 1: 300 m; vị trí 2: 80 m).
Vị trí sạt lở này có khối lượng rất lớn và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, tài sản, tính mạng của 139 hộ dân và 1 nhà thờ giáo họ Thanh Vĩ, gồm chủ yếu là các hộ dân ở thôn Vẽo, một số hộ ở thôn Sưa, xã Sơn Lai.
Ngày 28/9/2024, UBND tỉnh Ninh Bình cũng ban hành quyết định số 817/QĐ - UBND Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai: Sự cố sạt lở đồi Vẽo, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan.
Theo ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng thôn Vẽo cho biết: "Thôn Vẽo có 106 hộ dân, với 269 nhân khẩu. Đối với vết nứt kéo dài trên đồi Vẽo phát hiện sau cơn bão số 3, chúng tôi đã báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Hiện tại các khe nứt, nước bên trong không còn chảy ồ ạt như trước, nhưng diện tích các điểm sạt lở có dấu hiệu gia tăng. Đất ẩm, sụt lún, khó đi lại, xuất hiện nhiều khe lún mới, sâu hơn so với ngày hôm trước".
Được biết, tại thôn Vẽo và thôn Sưa (xã Sơn Lai) có 9 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp do vết nứt tại đồi Vẽo, các hộ này đã di dời tài sản đến nhà người thân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Trong ngày 29/9, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan) đã tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện việc làm rào chắn, cắm mốc quan trắc và 3 biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở.
Tại tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày từ bão số 3, số 4, khu vực đồi Na Lo thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh xuất hiện tình trạng sạt trượt đất, đá xuống khu vực dân cư gần chân đồi.
Ngày 27/9 vừa qua, lực lượng chức năng của huyện Lang Chánh, xã Tân Phúc đã khẩn cấp di dời 5 hộ dân với 28 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại tỉnh Sơn La, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4, địa bàn huyện Sốp Cộp xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, đi lại, sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Bên cạnh đó, tại các xã Sốp Cộp, Sam Kha, Nậm Lạnh đã xuất hiện vết nứt trên đồi và nền nhà, tường, sân nhà của nhiều hộ dân.
Tại bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, phía trên đồi khu vực dân cư xuất hiện nhiều vết nứt, cung trượt lớn, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, gây ảnh hưởng đến 21 hộ gia đình. Trong đó, có 5 hộ dân nền nhà đã bị bong bật, tường nhà, kè chắn đất và các công trình phụ trợ khác…, xuất hiện nhiều vết nứt dẫn đến không đảm bảo kết cấu chịu lực của công trình. Hiện 4 hộ dân đã chủ động di dời đến nơi an toàn.
Tại khu vực nhà bán trú, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Sam Kha cũng xuất hiện 1 điểm có nguy cơ cao sạt lở taluy dương. Ở khu vực bản Kéo Vai, xã Nậm Lạnh bị sạt lở taluy âm tuyến đường vào bản, nguy cơ cao tiếp tục sạt xuống 7 nhà dân và điểm trường tiểu học, mầm non và nhà văn hóa bản.Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, thầy cô giáo, học sinh, UBND huyện Sốp Cộp đã thành lập Đoàn công tác cùng với phòng, ban, cơ quan, đơn vị và lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa tại những khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá, mưa lũ.
Huyện Sốp Cộp cũng thành lập các tổ an ninh thường xuyên túc trực, kiểm tra khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để các hộ dân trong vùng nguy cơ cao sạt lở đất ở lại nhà, nhất là khi có mưa. Tổ an ninh tích cực nắm bắt tình hình, hiện trạng các vết nứt cung trượt để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai của các xã sẵn sàng triển khai biện pháp ứng phó, cứu hộ, cứu nạn...