January 06, 2025 | 19:03 GMT+7

Sáu bài học từ cách xây dựng và phát triển thành công thị trường carbon của Trung Quốc

Bảo Huy

Qua 3 giai đoạn phát triển, từ thực tiễn triển khai xây dựng thị trường carbon của Trung Quốc, các quốc gia đang phát triển có thể rút ra một số bài học trong lộ trình xây dựng và phát triển thị trường carbon của mình. Trường hợp Trung Quốc cho thấy việc xây dựng thị trường carbon thành công cần một chiến lược toàn diện...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của Trung Quốc đã vượt mức 12,7 tỷ tấn vào năm 2019, gấp đôi lượng phát thải của Mỹ và gấp 4 lần so với Ấn Độ.

Trước thách thức từ mô hình phát triển thâm dụng carbon, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017) đã khẳng định cần thúc đẩy một cơ cấu kinh tế hợp lý, hỗ trợ phát triển xanh, ít phát thải carbon và tuần hoàn, nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh của Trung Quốc.

THIẾT LẬP CHIẾN LƯỢC CHO 3 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CARBON

Năm 2017, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã giới thiệu kế hoạch triển khai hệ thống giao dịch phát thải carbon. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ tạo dựng một thị trường carbon cấp quốc gia với “quyền sở hữu rõ ràng, cơ chế bảo vệ toàn diện, khả năng chuyển nhượng linh hoạt, giám sát chặt chẽ và tính minh bạch cao”, đồng thời “khơi dậy tiềm năng giảm phát thải của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát hiệu quả lượng khí nhà kính”, theo nghiên cứu của GS. Đặng Hải Phong (Đại học Thanh Hoa) trên Journal of Contemporary China.

Tháng 9/2020, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đạt "2 mục tiêu carbon", bao gồm đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Thị trường giao dịch quyền phát thải carbon được xác định là công cụ chính sách cốt lõi để hiện thực hóa các mục tiêu này.

Tính đến nay, thị trường carbon của Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (2002–2012) tập trung vào giao dịch quốc tế các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERs) được chứng nhận từ các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.

Thông tin thời gian thực về giao dịch phát thải carbon quốc gia tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Thông tin thời gian thực về giao dịch phát thải carbon quốc gia tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Giai đoạn 2 (2013–2020) là giai đoạn thí điểm tại một số địa phương, bổ sung cơ chế bù đắp khí thải carbon bằng mức giảm phát thải tự nguyện được chứng nhận quốc gia (CCER), qua đó hình thành thị trường trong nước.

Giai đoạn 3 (từ 2021 đến nay) triển khai thị trường giao dịch quyền phát thải carbon toàn quốc, hiện tập trung vào ngành điện với tổng lượng phát thải CO2 khoảng 4,5 tỷ tấn/năm, trở thành thị trường giao ngay carbon lớn nhất thế giới.

Dự báo từ Sở Giao dịch Môi trường Xanh Bắc Kinh (CBGEX) cho thấy thị trường carbon của Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi tiến hành tài chính hóa trong tương lai. Với lượng tín chỉ dự kiến vào khoảng 7-8 tỷ tấn, khối lượng giao dịch hàng năm được dự báo sẽ vượt qua 10 tỷ tấn, tương đương với giá trị giao dịch trên 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD).

Sự phát triển này sẽ được thúc đẩy bởi cấu trúc của thị trường carbon Trung Quốc, bao gồm 2 thành phần chính: Hệ thống Giao dịch Phát thải (ETS) và Chứng chỉ Giảm phát thải được chứng nhận (CCER), theo Reuters.

NỀN TẢNG GIAO DỊCH PHÁT THẢI LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Hệ thống Giao dịch Phát thải (ETS) bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2021 tại Sàn Giao dịch Năng lượng và Môi trường Thượng Hải. ETS đang dần được hoàn thiện, gồm 8 ngành phát thải lớn: sản xuất điện, thép, vật liệu xây dựng, kim loại màu, hóa dầu, hóa chất, giấy và hàng không dân dụng, chiếm 75% tổng lượng phát thải của Trung Quốc.

Trong giai đoạn đầu, hơn 2.000 doanh nghiệp phát thải lớn thuộc ngành năng lượng đã tham gia ETS, với mỗi doanh nghiệp có lượng phát thải tối thiểu 26.000 tấn/năm. Ngưỡng này cũng sẽ được áp dụng cho các ngành thép, xi măng và nhôm.

Theo cơ chế này, các doanh nghiệp được cấp một hạn ngạch miễn phí dưới dạng chứng nhận quyền phát thải (CEAs). Nếu lượng phát thải thực tế vượt quá hạn ngạch trong một giai đoạn tuân thủ nhất định, doanh nghiệp buộc phải mua thêm quyền phát thải trên thị trường để bù đắp sự thiếu hụt. Ngược lại, nếu lượng phát thải thấp hơn hạn ngạch, doanh nghiệp có thể bán phần dư thừa CEAs của mình.

Một nhà máy điện chạy bằng than ở Quý Châu. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.
Một nhà máy điện chạy bằng than ở Quý Châu. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Việc phân bổ hạn ngạch không dựa trên mức phát thải tuyệt đối mà theo chuẩn cường độ carbon của từng ngành do chính phủ quy định và giảm dần theo thời gian. Các doanh nghiệp phát thải bắt buộc phải nộp các thông số quan trọng hàng tháng và báo cáo dữ liệu phát thải hàng năm.

Kể từ khi ra mắt, ETS đã trở thành nền tảng giao dịch phát thải lớn nhất thế giới, bao phủ khoảng 5,1 tỷ tấn CO₂ tương đương, tương ứng với khoảng 40% tổng lượng phát thải của Trung Quốc. Đến cuối năm 2023, khối lượng giao dịch trên ETS của Trung Quốc đã đạt tổng cộng 442 triệu tấn, với giá trị 24,92 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,50 tỷ USD).

Hiện tại, giá carbon trên ETS quốc gia của Trung Quốc thường tăng khi chính phủ giảm lượng hạn ngạch phát thải miễn phí phân bổ cho các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, mức giá carbon tại Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với giá trên các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngày 24/4/2024, giá carbon trên thị trường ETS của Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt mức 100 nhân dân tệ/tấn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển, vận hành của thị trường quốc gia tỷ dân.

CƠ CHẾ BAO TRÙM CÁC ĐỐI TƯỢNG

Đầu năm 2024, Bắc Kinh tái khởi động thị trường giao dịch tự nguyện về giảm phát thải khí nhà kính quốc gia (Chứng chỉ Giảm phát thải được chứng nhận (CCER), nhằm mở rộng sự tham gia của những công ty thuộc các ngành cụ thể giao dịch tín chỉ giảm phát thải carbon sau khi tham gia tự nguyện vào các sáng kiến giảm phát thải, theo China Briefing.

Chương trình này bổ trợ cho ETS, hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, đặc biệt là các ngành năng lượng sạch, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Trung Quốc sang phát triển bền vững về môi trường và hỗ trợ các mục tiêu trung hòa carbon.

Các tua-bin gió ỏ Trang trại gió Thương Cảng, thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang đã cung cấp hàng triệu kilowatt-giờ điện xanh vào lưới điện quốc gia, ước tính giảm được khoảng hàng nghìn tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Ảnh: cnsphoto.
Các tua-bin gió ỏ Trang trại gió Thương Cảng, thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang đã cung cấp hàng triệu kilowatt-giờ điện xanh vào lưới điện quốc gia, ước tính giảm được khoảng hàng nghìn tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Ảnh: cnsphoto.

Ban đầu, chương trình CCER tập trung vào 4 lĩnh vực: trồng rừng, năng lượng mặt trời nhiệt, điện gió ngoài khơi, và tạo dựng thảm thực vật rừng ngập mặn. Các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này có thể đăng ký tín chỉ giảm phát thải carbon đã được chứng nhận vào hệ thống CCER để phục vụ mục đích giao dịch.

Những lĩnh vực này được lựa chọn do phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ việc bán tín chỉ carbon để đảm bảo lợi nhuận. Ví dụ, điện gió ngoài khơi, với chi phí cao hơn đáng kể so với điện gió trên bờ, sẽ hưởng lợi từ nguồn thu bổ sung thông qua các giao dịch CCER.

Hiện tại, đối tượng chính tham gia chương trình CCER được kỳ vọng là các doanh nghiệp phát thải lớn muốn bù đắp lượng khí thải vượt mức, cùng với các công ty mong muốn thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc đóng góp vào các sáng kiến bảo vệ môi trường.

Trong tương lai, chương trình thậm chí dự kiến sẽ mở rộng để cho phép cá nhân tham gia và mua tín chỉ nhằm bù đắp dấu chân carbon của chính mình.

6 BÀI HỌC CHO CÁC QUỐC GIA ĐANG PHÁT TRIỂN

Từ thực tiễn triển khai xây dựng thị trường carbon của Trung Quốc, các quốc gia đang phát triển có thể rút ra một số bài học.

Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống thị trường carbon dựa trên nền tảng pháp lý và thể chế vững chắc, với sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan quản lý, để đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện và giám sát, như Trung Quốc có các chính sách từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Sinh thái và Môi trường.

Thứ hai, xem xét thử nghiệm thị trường carbon ở quy mô nhỏ, chẳng hạn ở cấp khu vực hoặc ngành cụ thể, trước khi mở rộng ra toàn quốc. Trung Quốc đã bắt đầu bằng các chương trình thử nghiệm ETS tại cấp độ địa phương trước khi triển khai toàn quốc vào năm 2021. Quá trình này cho phép các cơ quan quản lý học hỏi, điều chỉnh và cải thiện mô hình dựa trên kinh nghiệm thực tế.

Thứ ba, ưu tiên đưa các ngành phát thải lớn nhất vào hệ thống giao dịch trước, tạo nền tảng vững chắc trước khi mở rộng sang các ngành khác. Giai đoạn đầu của hệ thống ETS ở Trung Quốc tập trung vào ngành sản xuất điện- lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất. Việc bổ sung các ngành thép, xi măng và nhôm sau này giúp mở rộng phạm vi mà không gây quá tải cho hệ thống quản lý ban đầu.

Thư tư, kết hợp cả cơ chế bắt buộc và tự nguyện để bao trùm sự tham gia rộng rãi hơn của các đối tượng, đồng thời tận dụng nguồn tài trợ cho các dự án môi trường. Việc vận hành song song ETS (bắt buộc) và CCER (tự nguyện) của Trung Quốc tạo cơ hội tham gia đa dạng, chương trình CCER cũng hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường, như điện gió ngoài khơi và rừng ngập mặn.

Thứ năm, khuyến khích tài chính hóa tín chỉ carbon, biến chúng thành một loại tài sản tài chính nhằm thu hút nhà đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường.

Việc tài chính hóa tín chỉ carbon không chỉ giúp Trung Quốc huy động nguồn vốn từ thị trường tài chính mà còn tăng tính thanh khoản và giá trị giao dịch. Đây là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường carbon, với dự báo khối lượng giao dịch có thể đạt 10 tỷ tấn mỗi năm.

Thứ sáu, thiết kế thị trường carbon theo hướng hỗ trợ các ngành năng lượng sạch và các dự án thân thiện với môi trường để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Chương trình CCER khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường, đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ qua việc mua tín chỉ tự nguyện. Điều này phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate