January 11, 2024 | 20:11 GMT+7

Sau cột mốc 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài, FPT đặt đích 5 tỷ USD

Thủy Diệu -

Hơn hai thập kỷ trước, năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài với khát vọng “đem công nghệ, trí tuệ Việt Nam ra thế giới”, và 25 năm sau FPT đã cán mốc 1 tỷ USD. Giờ đây, FPT lại đặt cột mốc mới – 5 tỷ USD – nhưng chỉ 7 năm sau…

Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ với báo chí về hành trình phát triển thị trường quốc tế của FPT.
Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ với báo chí về hành trình phát triển thị trường quốc tế của FPT.

Ngày 11/1/2024, Tập đoàn FPT đã công bố mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu hóa đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.

ĐI QUA NHỮNG LẰN RANH SINH TỬ

"Với chúng tôi, 1 tỷ đô không phải là con số mà là cuộc đời của chúng tôi, cả thời thanh niên, những ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất đời tôi. Đây còn từng là ước mơ, và đã thành hiện thực", Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình mở đầu phần chia sẻ về hành trình đi ra nước ngoài của FPT với giới truyền thông. 

Theo ông Bình, nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ.

Tổng giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn, cho biết mốc 1 tỷ đô mang lại nhiều cảm xúc nhưng không hồi hộp bằng các mốc trước đây. Cụ thể, ở cột mốc 1 triệu đô đầu tiên là lằn ranh sinh tử. Khi đó ông Tuấn là một trong những người đầu tiên ở FPT Software đi Ấn Độ, đi Mỹ và lặng lẽ quay về. Nhiều tranh luận trong FPT lúc đó là tiếp tục làm trong nước hay ra nước ngoài? Sau đó, đạt mốc triệu đô và tin mình có thể ra nước ngoài.

Nhưng, ông Tuấn kể, thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không? FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản từ năm 2005.

Tiếp đến là mốc 10 triệu. Và mốc 10 triệu - 100 triệu khó khăn, chỉ đi ngang vì khủng hoảng tài chính, không vượt được bẫy trung bình. Cho đến ngày sóng thần ở Nhật, FPT cam kết đồng hành cùng khách hàng, không bao giờ rời bỏ.

"Khi đạt 500 triệu đô đã mường tượng sau 3 năm đạt 1 tỷ. Đây không phải cột mốc bất ngờ. Nhưng chúng tôi không dừng ở đây. Ước nguyện là mang trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài", theo ông Phạm Minh Tuấn.

 
Tổng giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn.
Tổng giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn.

Tổng giám đốc FPT Software cũng chia sẻ, suốt hành trình mang trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, nhiều người hỏi đâu là động lực tăng trưởng? Gần nhất là một cựu CEO người Nhật đầu quân cho FPT Japan chia sẻ: Háo hức tìm bí kíp vì sao FPT thành công vượt trội ở Nhật? “Nhưng vị CEO người Nhật này không tìm ra, nhưng nhìn rõ sự khác biệt: đó là khát vọng, tinh thần máu lửa, quyết chiến ở tất cả nhân viên từ cấp thấp nhất đến cao nhất. Đây là vũ khí khó copy và tin rằng tương lai của FPT Software còn sáng lạng hơn nhiều”, ông Tuấn cho hay.

Như vậy, từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. Từ Việt Nam, FPT đã vươn ra toàn cầu với sự hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu.

PHÁT TRIỂN CHIẾN LƯỢC CÂN BẰNG VÀ MỤC TIÊU 5 TỶ USD

Theo lãnh đạo FPT, trước đây FPT Software thuộc nhiều vào Nhật Bản nhưng hiện giờ công ty thực hiện chiến lược cần bằng, phát triển song song giữa các thị trường, gồm Mỹ, Nhật và APAC, mỗi thị trường 30-35%, đảm bảo tăng trưởng trên 25%. Đồng thời chuyển dịch khách hàng, cụ thể từ năm 2018 với "chiến lược săn cá voi" chỉ tập trung vào khách hàng doanh thu triệu đô, và hiện 80% khách hàng mang lại doanh thu triệu đô cho FPT Software.

FPT cho biết, với chiến lược đi trước đón đầu, tập đoàn tập trung nghiên cứu những công nghệ mới nhất và dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ. Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin tin cho thị trường nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud - chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%...

Năng lực trong những mảng công nghệ mới cũng là “vũ khí” để FPT cạnh tranh với các công ty cùng ngành đến từ Ấn Độ, Trung Quốc để có được những hợp đồng, khách hàng quy mô doanh số trăm triệu USD, cũng như đóng vai trò thầu chính trong các dự án lớn.

Năm 2023, hồ sơ khách hàng của FPT lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Khách hàng này có trụ sở tại Mỹ, là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ô tô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, vận hành. Vượt qua hơn 100 nhà thầu quốc tế, FPT trở thành đối tác chính, tư vấn và cung cấp giải pháp toàn diện, từ nền tảng vận hành doanh nghiệp đến chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng tốc thời gian bán lẻ, giúp khách hàng bán hơn 5 triệu xe mỗi năm tại Mỹ và tối ưu chi phí.

Tại Malaysia, FPT đã vượt qua hàng chục đối thủ mạnh như Accenture, IBM, Tech Mahidra… trở thành top 3 nhà thầu chính thực hiện các dự án chuyển đổi số, nhà cung cấp dịch vụ duy nhất trên nền tảng Microsoft cho tập đoàn dầu khí hàng đầu hàng đầu Malaysia trong suốt hơn 15 năm qua.

 
Tổng giám đốc tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa.
Tổng giám đốc tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào các công nghệ mũi nhọn AI, bán dẫn, ô tô, tham gia các dự án lớn của Chính phủ, Bộ ban ngành, thêm bằng sáng chế trong AI, mong muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chip trong khu vục, 2030 cán mốc 1 tỷ USD cho lĩnh vực Automotive".

Hiện tại, FPT sở hữu 1.300 chuyên gia tư vấn với hơn 900 chứng chỉ quốc tế được công nhận bởi SAP và là đối tác tư vấn, triển khai ERP tin cậy của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đơn cử tại thị trường Nhật Bản, FPT là đối tác chiến lược triển khai hệ thống mới SAP Public Cloud trên phạm vi 15 quốc gia cho một công ty công nghệ cao hàng đầu Nhật Bản, chiếm 70% thị phần thế giới của hệ thống SEM đo lường khoảng cách (CD-SEMs). Dự án này cũng đã gây tiếng vang trong hiệp hội doanh nghiệp sử dụng SAP (JSUG) ở Nhật Bản, cũng là dự án triển khai toàn cầu thành công nhất trong lịch sử của SAP cho khách hàng Nhật Bản.

Tại Hàn Quốc, trong vai trò từ tư vấn kỹ thuật, kiến trúc của hệ thống, đến triển khai công nghệ, FPT đang triển khai SAP cho một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và đứng hàng đầu trên thị trường đồ điện tử gia dụng toàn cầu.

Sau hơn 2 thập kỷ tích lũy kinh nghiệm trên thị trường toàn cầu, FPT đã xây dựng được năng lực chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng phát triển rộng mở trong tương lai, đồng thời gia tăng số lượng các hợp đồng quy mô lớn. 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tiềm năng đến từ các hợp đồng lớn trên 5 triệu USD tăng 66%, cho thấy xu hướng chuyển dịch trên chuỗi giá trị của FPT hướng tới các hợp đồng hàng chục và hàng trăm triệu USD thay vì các đơn hàng vài triệu USD như trước đây.

Trong những lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, dầu khí, công nghệ ô tô (Automotive), công ty cũng đã có những hợp đồng trăm triệu USD với những công ty hàng đầu trong các lĩnh vực này. Hiện công ty cũng đã xây dựng được năng lực chuyên ngành trong các lĩnh vực như Automotive, hàng không, tài chính ngân hàng, y tế.

Theo Tổng giám đốc tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa, năm 2024 dự báo còn khó khăn hơn 2023. “Chúng tôi sẽ tập trung vào các công nghệ mũi nhọn AI, bán dẫn, ô tô, tham gia các dự án lớn của Chính phủ, Bộ ban ngành, thêm bằng sáng chế trong AI, mong muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chip trong khu vục, 2030 cán mốc 1 tỷ USD cho lĩnh vực Automotive. FPT đặt kế hoạch năm 2030 đạt mục tiêu 5 tỷ USD, từ đó nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD trên toàn cầu", ông Khoa cho hay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate