November 03, 2022 | 09:21 GMT+7

SCIC và mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Ngân Hà -

Qua nhiều năm thực hiện thành công công tác tiếp nhận, quản trị và thoái vốn tại gần 1.100 doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang từng bước chuyển mình để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ trong việc phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của “sếu đầu đàn” của nền kinh tế.

Lợi nhuận của Tổng công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex) tăng đột biến trong năm 2021.
Lợi nhuận của Tổng công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex) tăng đột biến trong năm 2021.

Hơn 4 năm kể từ khi chuyển giao về SCIC, ông Mai Xuân Phong, Tổng Giám đốc Tổng công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex) vẫn nhớ như in về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường đầu tiên vào tháng 10/2018 sau khi được chuyển giao SCIC.

“Sau cuộc họp bất thường với việc bầu ba thành viên Hội đồng quản trị gồm một cán bộ SCIC, một Phó Tổng giám đốc biệt phái làm việc chuyên trách và một thành viên Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị và Ban điều hành đã quyết liệt kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động, sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo, chuyên viên tại các phòng, ban tham mưu và các chi nhánh của Seaprodex theo định hướng tinh gọn, hiệu quả, gắn bó, thân thiện và đoàn kết. Nhờ đó, Seaprodex đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi chỉ tiêu lợi nhuận từ lúc chuyển giao đến nay đều có sự tăng trưởng hàng năm, đặc biệt là việc đạt được lợi nhuận đột biến trong năm 2021 vừa qua”, ông Phong chia sẻ.

TÁI CẤU TRÚC MẠNH MẼ DOANH NGHIỆP NHẬN CHUYỂN GIAO

Những câu chuyện về sự hồi sinh, chuyển mình hay tăng trưởng đột phá của các doanh nghiệp trong tổng số 1.079 doanh nghiệp mà SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước trong 17 năm qua không phải là hiếm.

Sự thành công của Tổng công ty Sông Đà ngày hôm nay, theo ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cũng là một trường hợp như vậy.

Ông Dũng kể sau khi nhận bàn giao vốn, SCIC đã kịp thời rà soát tình hình hoạt động, nhận diện các vấn đề tồn tại trong hoạt động của Sông Đà để từ đó định hướng, chỉ đạo các mặt hoạt động chính của Sông Đà.

Cụ thể, SCIC đã thuê tư vấn độc lập để rà soát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Sông Đà làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền; rà soát kế hoạch dòng tiền của Công ty mẹ Sông Đà làm cơ sở xây dựng các kịch bản về tài chính, dòng tiền hàng năm; cùng Sông Đà làm việc với các tổ chức tín dụng cho phép cơ cấu các khoản nợ đến hạn; báo cáo Bộ Xây dựng và Tổng công ty xi măng Việt Nam hỗ trợ Công ty CP xi măng Hạ Long trả khoản vay vốn lưu động cho Sông Đà; hỗ trợ Sông Đà báo cáo Bộ Tài chính cho phép tái cấu trúc các khoản đầu tư trong khi Sông Đà hoàn thành quyết toán vốn lần 2.

“Đặc biệt, SCIC đã chỉ đạo Người đại diện vốn tại Sông Đà phối hợp với Hội đồng quản trị và Ban điều hành hoàn thành hồ sơ quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần trình Bộ Xây dựng. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn Tổ hợp Sông Đà, trong đó tập trung tiếp thị đấu thầu xây lắp là lĩnh vực hoạt động chính của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên”, ông Dũng nói.

Không chỉ là Seaprodex hay Sông Đà, mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trên thực tế, SCIC rất chủ động trong việc xây dựng và thực hiện phương án cơ cấu doanh nghiệp, nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh hiệu quả tạo giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp quản lý...

 
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty quản lý vốn Nhà nước (SCIC)
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty quản lý vốn Nhà nước (SCIC)

"Triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án: “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”. Trong dự thảo Đề án này, SCIC đã được lựa chọn với định hướng chuyển đổi hoạt động theo mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ là một trong tám tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn có vai trò dẫn dắt.

SCIC với vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, có thể huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án trọng điểm quốc gia”.

Kết quả là, đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước giai đoạn 2017 - 2021 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC đạt 31.801 tỷ đồng.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC đạt chỉ số ROE vượt trội trong năm 2021: CTCP Traphaco (26,1%), CTCP FPT (29,6%), CTCP viễn thông FPT (38,1%), CTCP sữa Việt Nam (36,0%), Tổng công ty thủy sản Việt Nam (48,4%), CTCP cơ khí và khoáng sản Hà Giang (63,2%).

SCIC và mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp - Ảnh 1

Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn được SCIC thực hiện hiệu quả thông qua hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.

Riêng giai đoạn 2017-2021, tổng giá trị bán vốn thu về 23.994 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị thu bán vốn của SCIC từ khi thành lập. Trong đó, có những thương vụ bán vốn tại một số doanh nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao: CTCP sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), TCTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng). Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước là 48.319 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị nộp ngân sách nhà nước của SCIC từ khi thành lập đến nay.

Với vai trò là nhà đầu tư chính phủ, SCIC đã tham gia vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế với số tiền giải ngân đầu tư hơn 37.651 tỷ đồng.

17 năm hoạt động, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, đạt kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển vốn với các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt gần 60.500 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 64.400 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường đạt của danh mục trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).

HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH QUỸ ĐẦU TƯ CHÍNH PHỦ

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 khẳng định: “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”.

Triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án: “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”. Trong dự thảo Đề án này, SCIC đã được lựa chọn với định hướng chuyển đổi hoạt động theo mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ là một trong tám tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn có vai trò dẫn dắt.

Làm thế nào để phát huy được vai trò mở đường, dẫn dắt là điều ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV và ban lãnh đạo của SCIC đặc biệt trăn trở. Tại hội nghị doanh nghiệp nhà nước và Thủ tướng Chính phủ năm 2022, ông Thành từng đề xuất cần có một hệ thống cơ chế chính sách đặc thù mang tính đột phá và đầu tư bổ sung cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, tập trung vào các “sếu đầu đàn” của nền kinh tế.

Theo Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật Ngân sách nhà nước hiện nay, nhiều lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng được Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm vốn. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương đang được kết chuyển về ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp doanh nghiệp nhà nước cần bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoặc ứng phó với tình hình khẩn cấp thì sẽ không có nguồn vốn để đầu tư. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có một công cụ, một kênh đầu tư để thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp.

“SCIC với vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, có thể huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án trọng điểm quốc gia”, ông Thành nói.

Còn theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, để đạt mục tiêu trở thành nhà đầu tư của Chính phủ - mục tiêu SCIC đặt ra từ đầu và vẫn luôn theo đuổi - trong thời gian tới, SCIC phải sử dụng nguồn vốn đang có để thực hiện đầu tư, thể hiện rõ nét vai trò nhà đầu tư Chính phủ.

Theo đó, đầu tiên SCIC phải tự chứng minh bản thân mình bằng cách có đội ngũ quản lý, lựa chọn đầu tư cũng như triển khai việc đầu tư một cách có hiệu quả để tạo được lòng tin, độ tin cậy của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý có liên quan.

Thứ hai là phải lựa chọn danh mục, dự án, khoản mục đầu tư phù hợp trong khả năng quản trị của SCIC.

Thứ ba là năng lực của SCIC trong việc tìm kiếm đối tác tin cậy để phối hợp tham gia thực hiện các dự án đầu tư.

“Tôi nghĩ rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực cho hoạt động đầu tư và thể hiện được vai trò là nhà đầu tư Chính phủ của SCIC”, ông Hùng nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate