July 19, 2022 | 06:00 GMT+7

Sẽ đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh và quốc gia trong quý 3

Hồng Vinh -

Dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ phát sinh hồ sơ là 45,7%, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến 36,9%... và sẽ công bố xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia trong quý 3/2022…

Người dân ở nhà có thể thực hiện hầu hết các dịch vụ công trực tuyến tại UBND Phường Bến Nghé Quận 1 TP.HCM (Ảnh minh họa).
Người dân ở nhà có thể thực hiện hầu hết các dịch vụ công trực tuyến tại UBND Phường Bến Nghé Quận 1 TP.HCM (Ảnh minh họa).

Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. 

ĐƯA NGƯỜI DÂN LÊN MÔI TRƯỜNG SỐ

Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân. Đồng thời, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

 
Thị trường dữ liệu sẽ kích thích thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thị trường dữ liệu cũng tạo động lực phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển các loại hình ngành nghề mới dựa trên dữ liệu để tạo nhiều cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực dữ liệu cho người dân...
Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin truyền thông 6 tháng đầu năm 2022 chiều ngày 18/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra giải pháp thúc đẩy chương trình chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia, phát triển dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia… Trong đó, trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, đưa người dân lên môi trường số, toàn dân, toàn diện.

Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ dữ liệu là quan trọng nhất. Dữ liệu cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt của thế giới thực, thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ quản lý, điều hành, phục vụ người dân trên cơ sở các hệ thống tự động thu thập, phân tích dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu; Hạ tầng dữ liệu mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, xuyên suốt các hoạt động của các cơ quan nhà nước, người dân được đưa lên môi trường số và sinh ra dữ liệu. Do đó, chủ quyền dữ liệu quốc gia cần được đảm bảo. Chính sách, quy định quản lý dữ liệu xuyên biên giới được thực thi, phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do và các Hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết. Do đó, phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu; thị trường dữ liệu.

Hơn nữa, tập trung vào đột phá là kiến tạo, phát triển thị trường dữ liệu tạo động lực thu thập, làm giàu dữ liệu. Thị trường dữ liệu sẽ kích thích thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thị trường dữ liệu cũng tạo động lực phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển các loại hình ngành nghề mới dựa trên dữ liệu để tạo nhiều cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực dữ liệu cho người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật.

1,9 TRIỆU GIAO DỊCH MỖI NGÀY QUA NDXP

Tính đến hết tháng 6/2022, 100% các bộ ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 5/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 32/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 51/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022.

Một số bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện Tổ công nghệ số cộng đồng 41/63 tỉnh, thành phố đã triển khai với 36.300 Tổ công nghệ số cộng đồng và gần 200.000 thành viên tham gia, triển khai đến tận thôn, xóm tại các địa phương; Đào tạo bồi dưỡng, triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (Massive Open Online Course –MOOC) và hoàn thành bồi dưỡng về chuyển đổi số cho gần 2000 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương; Công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 30.000 lãnh đạo UBND cấp xã (thời gian dự kiến bắt đầu bồi dưỡng từ tháng 9/2022).

Về kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ Chuyển đổi số, tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform -NDXP) trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 350 triệu giao dịch, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm 2021; trung
bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.

Về cung cấp Dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương đã triển khai việc giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến cho từng sở ngành, quận huyện, do đó các chỉ số về dịch vụ công trực tuyến gia tăng đáng kể.

Về việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án 06 kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp; Triển khai Hệ thống giám sát dữ liệu trực tuyến, kết nối giữa cơ quan quản lý với hệ thống của đối tượng quản lý nhằm giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời.

Hiện nay, đã có 62 tỉnh, thành phố và 27 bộ ngành thực hiện tích hợp Hệ thống thu thập, đánh giá mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (EMC). Hiện, chỉ còn 2 bộ và 1 địa phương chưa thực hiện kết nối đầy đủ để phục vụ công tác giám sát, đo lường.

Ngoài ra, vẫn còn các bộ ngành, địa phương lúng túng, chưa xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số để đưa vào Kế hoạch. Công tác triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại một số địa phương còn chậm, thiếu chủ động, mang tính hình thức;

Tại một số nơi, người dân chưa cảm thấy được giá trị lợi ích thiết thực mang lại từ việc ứng dụng công nghệ vào đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các cấp chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực.

Một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng còn chưa cao; Việc kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế.

ĐÁNH GIÁ XẾP HẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đối với nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra chỉ tiêu tập huấn 10.000 cán bộ chuyển đổi số trên toàn quốc; Phấn đấu đạt tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ 80% và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến 50%; Kết nối 100% Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến, Một cửa điện tử với Hệ thống đánh giá mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến EMC.

Song song đó, triển khai các hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số; Thúc đẩy đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số; Hoàn thiện và công bố kết quả đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia năm 2022 (dự kiến quý 3); Tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố về triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt ra mục tiêu hoàn thiện Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (OneTouch), tổ chức phổ biến sử dụng phục vụ bồi dưỡng về chuyển đổi số; Tập trung hỗ trợ 30/30 địa phương hoàn thành kết nối giữa Hệ thống thông tin đất đai của địa phương với Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của địa phương, Cổng trao đổi thông tin liên thông thuế của Tổng Cục quản lý đất đai; triển khai kết nối các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ triển khai Đề án 06.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate