August 10, 2009 | 14:09 GMT+7

Sẽ đề xuất giám sát tối cao về xuất khẩu lao động

Quỳnh Lam

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói về giám sát xuất khẩu lao động

Ông Đặng Như Lợi - Ảnh: Vũ Quỳnh.
Ông Đặng Như Lợi - Ảnh: Vũ Quỳnh.
Hạn chế, yếu kém của quản lý Nhà nước là một trong các nguyên nhân làm cho xuất khẩu lao động chưa đạt được yêu cầu mong muốn.

Đó là nhận định của ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh chính sách và thực tế trong công tác xuất khẩu lao động.

Ông Lợi nói:

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một biện pháp quan trọng trong chiến lược giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nguồn ngoại tệ, xóa đói giảm nghèo, nhằm phát tiển kinh tế xã hội.

Thực tế cho thấy,  nhiều gia đình đã cải thiện được đời sống khi có con đi xuất khẩu lao động. Có khoảng 85 đến 90% số lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi trở về tỏ ra hài lòng. Cũng từ công tác này, nhiều ngôi nhà khang trang, nhà tầng đã mọc lên ở các làng quê nghèo….

Về phía doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này, cũng phải thừa nhận họ đã có công lớn, vừa tạo được công ăn việc làm cho lao động ở nước ngoài, vừa giải quyết việc làm cho hàng trăm chỗ làm trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi vừa thực hiện đợt khảo sát và nhận thấy công tác xuất khẩu lao động của chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Những hạn chế cụ thể ở đây là gì thưa ông?

Nhiều lắm!

Thứ nhất, gần như tất cả các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này đều mang nặng tính hình thức và bệnh thành tích. Họ vẫn thích báo cáo, tuyên truyền tốt về mình mà chưa đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu.

Trong khi đó, thực tế cơ quan quản lý thì cấp phép tràn lan, doanh nghiệp thì tuyển dụng, tạo nguồn thiếu bài bản. Nhiều doanh nghiệp khoán trắng cho chi nhánh, trung tâm, tuyển chọn lao động qua môi giới theo kiểu “vơ bèo vạt tép” dẫn đến chất lượng  lao động kém, khó cạnh tranh và khẳng định thương hiệu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong khâu quản lý, bảo vệ quyền  và lợi ích hợp pháp của người lao động;  thanh toán hợp đồng cho lao động thiếu rõ ràng, phí môi giới không được thông báo cụ thể đến người lao động, dẫn đến tình trạng cùng một thị trường nhưng mỗi doanh nghiệp một giá dịch vụ, giá chi phí môi giới.

Trong việc thẩm định hợp đồng của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cũng làm không chặt chẽ.  Họ gần như chưa thấy được nhiệm vụ  của mình khi chấp nhận các hợp đồng cung ứng lao động không đảm bảo chất lượng sẽ gây thiệt hại như thế nào cho người lao động.

Thưa ông, đánh giá về những hạn chế nói trên dựa theo cơ sở nào?

Đơn giản thôi, chúng ta sẽ không bắt đầu mọi chuyện từ trên xuống mà tốt nhất là từ dưới lên. Trong vấn đề này chúng ta sẽ bắt đầu từ người lao động, họ sẽ kể thật rằng họ đi thế nào, làm cái gì, chi phí bao nhiêu…

Tôi lấy ví dụ thế này, lao động làm việc trên tàu cá tại Đài Loan rất cực khổ, nhiều lao động phải làm ngày 18 đến 20 tiếng và chỉ được nghỉ có 4 tiếng thôi, với mức lương không hề thỏa đáng. Về những vấn đề đó, doanh nghiệp hay cơ quan quản lý đâu có biết. Thậm chí nhiều doanh nghiệp biết vẫn làm ngơ theo kiểu “đem con bỏ chợ”.

Thậm chí nhiều lao động sau khi ký hợp đồng với chủ tiếp nhận là Hàn Quốc, Đài Loan nhưng tàu đánh cá lại đưa thẳng họ sang châu Phi và bắt họ làm việc tại đây.

Những sự việc cụ thể như vậy chứng tỏ doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, tìm hiểu không kỹ các đơn hàng , điều kiện làm việc, còn cơ quan quản lý lại thẩm định hợp đồng đó hết sức lỏng lẻo. Ngay cả những vi phạm về luật lao động Quốc tế mà mình vẫn để lao động mình phải chịu thì trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp cung ứng và cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, lao động có thể kiện.

Vậy, với chức năng của mình, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ giám sát vấn đề này như thế nào?

Đợt khảo sát của chúng tôi lần này là để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tới. Chúng tôi sẽ  đưa ra một chương trình đề nghị Quốc hội thông qua, đó là chương trình giám sát tối cao về vấn đề này. Đến lúc đấy, chúng tôi sẽ mời Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội của các địa phương kiểm soát và phán xét toàn bộ “mấy ông” chi nhánh, văn phòng đại diện, trung tâm…có hành vi lừa đảo nhân dân.

Cần phải thanh lọc và làm trong sạch, lành mạnh môi trường xuất khẩu lao động trong nước, từng bước khẳng định thương hiệu lao động Việt Nam trên thế giới.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate