Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thông tin này khi phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 27/5.
BỎ MỨC LƯƠNG HƯU THẤP NHẤT
Giải trình nội dung liên quan đến tác động của cải cách chính sách tiền lương đến các chế độ bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết việc khó nhất khi cải cách tiền lương là “không có tiền” thì hiện nay đã tiết kiệm được nguồn để thực hiện.
Theo Bộ trưởng, cải cách tiền lương và nội dung cấp bách hiện nay, nhưng cũng là vấn đề mới và phức tạp, cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm, mà muốn như vậy phải xác định được vị trí.
Cụ thể, vị trí việc làm có 3 đặc điểm, đó là tính ổn định, tính lâu dài và tính thường xuyên. Kết cấu mỗi vị trí việc làm bao gồm bản mô tả công việc và khung năng lực.
Bộ trưởng cho biết việc cải cách tiền lương hiện chủ yếu liên quan đến 3 đề xuất, trong đó có mức tham chiếu làm căn cứ tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Bản chất mức tham chiếu là một khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở. Bởi Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đã quy định bãi bỏ mức lương cơ sở.
“Mức tham chiếu thực chất được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng, tình hình thu chi..., thay thế cho mức lương cơ sở. Nếu thời gian tới Nghị quyết 27 chưa bãi bỏ ngay mức lương cơ sở thì chúng ta tiếp tục sử dụng. Còn sau Nghị quyết 27 mà nâng lên một mức nữa thì vẫn có thể sử dụng làm mức tham chiếu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải. Đồng thời ông cho rằng nếu dùng mức tham chiếu thì có thể sử dụng lâu dài hơn cho quá trình về sau.
Bên cạnh đó, ở lần sửa đổi này đã bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất, do mức lương hưu thấp nhất chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định.
Theo Bộ trưởng, mức lương hưu thấp nhất hiện đang tính theo mức lương cơ sở (hiện là 1,8 triệu đồng). Tuy nhiên, nếu vẫn tính bắt buộc theo mức lương cơ sở thì một loạt những người có nhu cầu không thể tham gia bảo hiểm xã hội, vì không có đủ điều kiện đóng bằng mức lương tối thiểu.
“Đóng thấp thì hưởng thấp còn hơn không có lương hưu. Điều quan trọng là họ sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, đối với người cao tuổi điều này rất quý”, Bộ trưởng Dung nói.
Theo Bộ trưởng, trong trường hợp “có còn hơn không”, và được mở rộng diện bao phủ thì nên xem xét chọn phương án có lợi hơn, vì thế Ban soạn thảo thống nhất không chọn cố định mức 1,8 triệu đồng. Ông cũng đánh giá phương án này sẽ phù hợp với thực tiễn hơn.
XỬ LÍ VẤN ĐỀ CHÊNH LỆCH LƯƠNG HƯU GIỮA NHỮNG NGƯỜI NGHỈ TRƯỚC VÀ SAU 1/7
Một nội dung quan trọng khác được nhiều đại biểu băn khoăn là việc cải cách tiền lương có thể gây chênh lệch lương hưu giữa những người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7. Bộ trưởng Dung nhấn mạnh về bản chất không có gì khó khăn và có thể xử lí được.
“Liên quan đến mức hưởng của các đối tượng nghỉ trước và sau cải cách có thể tính toán được. Nguyên tắc là những người nghỉ hưởng lương hưu sau ngày 1/7 mà có chế độ cao thì sau này mức hưởng sẽ chỉ tính thêm phần chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào. Còn với những người nghỉ trước 1/7 thì mức hưởng được tính toán ngoài yếu tố CPI còn xét đến tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng của Quỹ Bảo hiểm xã hội...”, Bộ trưởng thông tin.
Đối với khu vực lực lượng vũ trang, Chính phủ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cụ thể. Còn các khu vực khác, liên quan đến chế độ hưu trí, Bộ trưởng cho biết Thường trực Chính phủ đã họp bàn và thống nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ quan tham mưu, đề xuất người hưởng lương hưu từ 1/7 trùng với thời điểm cải cách tiền lương cán bộ công chức viên chức thì cũng sẽ áp dụng mức tăng cao nhất có thể.
“Chúng ta cố gắng cân bằng quỹ để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với người có công, cũng từ ngày 1/7, mức trợ cấp dự kiến sẽ cao hơn một bậc so với mức tăng chung của các nhóm. Tương tự, đối với nhóm bảo trợ xã hội cũng sẽ được điều chỉnh cao hơn.
Đối với vấn đề đại biểu nêu liên quan đến đề xuất tăng hưởng các chính sách về thai sản, ốm đau..., Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng rất phù hợp, xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận.
Tuy nhiên, ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo luật đã đưa rất nhiều chính sách tân tiến hơn, nhiều chính sách tốt hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể đảm bảo. Do vậy, trong giai đoạn trước mắt cần đảm bảo hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu”, Bộ trưởng Dung nói.
Với nội dung về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu rõ, phấn đấu tới tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, đa tầng. Với mục tiêu đến năm 2030 cần đạt độ bao phủ 60% dân số tham gia bảo hiểm xã hội thì việc mở rộng đói tượng là tất yếu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện, chúng ta quy định ngay trong luật này.
Còn với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp. Hơn nữa, trên một thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau.
Những nội dung lớn khác, Bộ cho biết với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.