Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) tại phiên họp chiều ngày 25/10/2023, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật điều chỉnh 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.
“QUẢN LÝ NHẸ” ĐỐI VỚI 3 DỊCH VỤ MỚI
Phân tích điều này, theo ông Huy, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống và các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển.
Ngoài ra, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông. Nhiều quốc gia đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông.
Một số ý kiến đề nghị có phương thức quản lý phù hợp đối với các dịch vụ mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là dịch vụ thực hiện lưu trữ, xử lý dữ liệu. Pháp luật một số quốc gia tập trung vào vấn đề bảo vệ dữ liệu. Còn pháp luật Việt Nam quy định tương đối hoàn chỉnh về bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu.
Vì vậy, ông Huy nhấn mạnh rằng quản lý các dịch vụ này ở mức độ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Dịch vụ OTT viễn thông là dịch vụ không có hạ tầng mạng, người sử dụng dễ dàng thay đổi nhà cung cấp, thị trường có khả năng tự điều tiết.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật quy định quản lý dịch vụ này có độ mở, linh hoạt, không cản trở việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Các quy định trong dự thảo Luật chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” với 3 dịch vụ trên.
Theo đó, không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam.
Đồng thời quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp 3 dịch vụ, tập trung vào bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống. Dự thảo cũng quy định rõ hình thức quản lý đăng ký, thông báo...
Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 3 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng Việt Nam, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Quan tâm đến khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn Khánh Hòa, nêu rằng nếu dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet được coi là dịch vụ viễn thông, loại hình dịch vụ này sẽ phải chịu ràng buộc, đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của dịch vụ viễn thông truyền thống.
"Ngược lại, nếu dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet không được coi như dịch vụ viễn thông truyền thống thì nên thay đổi tên gọi, định nghĩa lại để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng, thực thi", đại biểu nói.
Hiện nay, quy định trong dự thảo đang coi các dịch vụ nhắn tin, nghe gọi trên internet là một loại hình viễn thông cơ bản, được sử dụng bởi người sử dụng dịch vụ viễn thông trên internet. Đại biểu cho rằng các dịch vụ liên lạc OTT không thể coi là dịch vụ cơ bản được bởi chúng có nhiều tính năng, giá trị gia tăng khác so với dịch vụ viễn thông truyền thống...
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM NHÀ MẠNG TRONG NGĂN CHẶN, XỬ LÝ SIM RÁC, CUỘC GỌI LỪA ĐẢO
Một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM rác, cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động; quy định xử lý chủ thuê bao này nếu có vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó.
Trước đề nghị này, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.
Để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng.
Về ý kiến đề nghị quy định các chủ thuê bao di động phải chịu trách nhiệm đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động mà cá nhân đó là chủ, quy định chế tài xử lý đối với các chủ thuê bao nếu để xảy ra các vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy điểm c khoản 2 Điều 15 đã quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin truyền đưa, lưu giữ trên mạng viễn thông.
Ông Huy cho rằng quy định này đã bao gồm cả trường hợp thông tin được đăng tải sử dụng tài khoản mạng xã hội. Chế tài cụ thể để xử lý các vi phạm về nội dung thông tin sẽ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.
THAM KHẢO THÍ ĐIỂM ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ CHO SỐ DI ĐỘNG
Đối với việc đầu giá quyền sử dụng kho số, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá. Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.
Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày; Quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Đồng tình quy định này nhưng đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định, nêu thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao so với giá khởi điểm. Do đó, cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy.
“Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất tiền cọc”.
Đại biểu cũng đề cập đến những số có giá trị cao; đồng thời tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Đại biểu đề nghị việc phân nhóm này giao cho Bộ quy định cụ thể. Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Giải trình về quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, ông Huy cho rằng đây là xu hướng phát triển, vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện.
Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã nghiên cứu thêm về giá khởi điểm sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu. Vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo quy định có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá, ông Huy nói.