Phải bổ sung các quy định về việc hình thành cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm của các tập đoàn kinh tế để đảm bảo lành mạnh tài chính doanh nghiệp.
Đây là đề nghị của Ủy ban Kinh tế tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 23/8.
Đấu thầu sản phẩm bảo hiểm
Theo phân tích của cơ quan thẩm tra dự án luật, hiện nay nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế thành lập các công ty bảo hiểm và thực hiện kinh doanh bảo hiểm trong nội bộ doanh nghiệp. Điều này đã làm giảm đi tính cạnh tranh hoặc dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng.
Đặc biệt, nếu rủi ro xảy ra sẽ gây thiệt hại cho tập đoàn, không bảo đảm lành mạnh trong hoạt động tài chính doanh nghiệp.
Do vậy, cần phải bổ sung các quy định về việc hình thành cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm này, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra còn đưa ý kiến đề nghị cần bổ sung các quy định về quản trị doanh nghiệp nhằm hạn chế các hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng nêu thực tế, sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp của một số tập đoàn, tổng công ty chỉ khép kín trong ngành dẫn đến thị trường bảo hiểm bị chia cắt và không đảm bảo sự lành mạnh. Song hiện nay Luật Đấu thầu chưa có quy định đối với các sản phẩm bảo hiểm.
Vì thế nên dự án luật kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi theo hướng cho đấu thầu sản phẩm bảo hiểm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này, Bộ trưởng Ninh nói.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển và nhiều ý kiến khác cho rằng nội dung này cũng như quy định về cạnh tranh, lâp quỹ... cần được quy định cụ thể ngay trong luật luật thay vì giao cho Chính phủ quy định.
Tiếp sau nhiều ý kiến lo ngại, Bộ trưởng Ninh cho biết, đã có quy định khống chế tỷ lệ đầu tư của các tập đoàn không được quá 20% vốn điều lệ vào chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng… để hạn chế rủi ro.
Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, dự án luật cần có quy định để “phá ranh giới” do các doanh nghiệp bảo hiểm của các tập đoàn, tổng công ty dựng nên, tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Cần “bảo hiểm” cho kinh doanh bảo hiểm
Làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm là vấn đề được tranh luận khá căng thẳng từ đầu đến cuối phiên thảo luận.
Bộ trưởng Ninh cho biết luật hiện hành chưa có quy định để bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo vệ gặp khó khăn về tài chính. Dự án luật đã được sửa đổi theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm lấy từ nguồn phí bảo hiểm của doanh nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết trích lập, cách thức quản lý, sử dụng quỹ này.
Chưa yên tâm với giải thích đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng nhiều quy định của dự luật còn đơn giản. Đồng thời, đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính an toàn của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đề nghị “phải có bảo hiểm cho kinh doanh bảo hiểm”.
Một vị lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, nếu quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm vẫn giao cho doanh nghiệp bảo hiểm thì “không có ý nghĩa lắm”. Vì quỹ không phải là tiền mặt mà là tài sản, rủi ro thì tài sản cũng mất, nên phải có cơ quan khác quản lý quỹ đó.
Theo tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những nội dung trên, nhiều nội dung khác cũng được sửa đổi, bổ sung tại dự luật như quy định cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, phân loại nghiệp vụ bảo hiểm…
Tất cả nội dung sửa đổi, bổ sung gồm 3 nhóm vấn đề, liên quan đến 11 nội dung tại 15 điều trong tổng số 129 điều của luật hiện hành. Chính phủ cũng đề nghị luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ tám cuối năm nay theo quy trình một kỳ họp. Vì vậy cần khẩn trương chỉnh lý để đảm bảo các bước theo đúng quy định trước khi trình Quốc hội.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate