Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/11, trả lời câu hỏi về thời điểm trẻ em có thể trở lại trường học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, ngày 15/10, Bộ đã ban hành Công văn 4726 ngày 15/10 đề nghị UBND các tỉnh căn cứ phân loại đánh giá cấp độ dịch từng địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế để quyết định việc dạy trực tiếp hay không.
Theo đó, khu vực nào kiểm soát được dịch, cụ thể là cấp độ dịch 1 và 2, thì có thể cho tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Sơn, việc triển khai cụ thể ra sao tùy thuộc vào tình hình thực tế và thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
"Đến nay, có 21 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, có 18 địa phương kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến qua truyền hình, 24 địa phương vẫn học trực tuyến qua truyền hình", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Theo Thứ trưởng, các địa phương có lượng học sinh lớn, đặc thù như TP.HCM, Hà Nội đều đã có phương án. Ví dụ tại Hà Nội, ngày 31/10, UBND thành phố đã có văn bản dự kiến cho học sinh đi học tại các khu vực có cấp độ dịch 1, 2. Tuy nhiên, đến hôm nay (6/11), UBND thành phố đã ra văn bản mới tạm dừng việc này và chỉ cho học sinh ở huyện Ba Vì đi học trở lại do diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, bên cạnh mong muốn cho học sinh trở lại trường, vẫn còn những lo lắng về tình hình dịch bệnh. Theo nhận định thống nhất của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Y tế, việc học sinh trở lại trường không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu để bảo đảm chất lượng, bảo đảm yếu tố tâm lý, đặc biệt với các học sinh lớp nhỏ và ảnh hưởng tới các gia đình.
Do đó, Thứ trưởng cho biết, trong tuần tới, hai bộ dự kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến để các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các quận, huyện để trao đổi về giải pháp triển khai chống dịch ở các cơ sở giáo dục khi dạy học trực tiếp, từ đó có hướng dẫn các địa phương.
"Ngoài ra, hai bộ sẽ sớm ban hành bổ sung Sổ tay Y tế phòng chống Covid-19 trong các trường học, tổ chức tập huấn các trường toàn quốc về kỹ năng phòng chống Covid-19, để mỗi giáo viên đều có thể là cán bộ y tế trường học", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Về việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, Thứ trưởng cho biết đây là nội dung nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế và các địa phương.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề nghị rõ các địa phương sớm có phương án cho các học sinh lứa tuổi 12-18 sớm được tiêm vaccine, khi đó các yếu tố phòng chống dịch bảo đảm tốt hơn cho các em đến trường", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.
Về nội dung này, trước đó, tại Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế do Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tiêm vacicne tháng 11-12/2021 và năm 2022, trong đó đề cập rõ số lượng trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bản. Dựa trên báo cáo từ các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch tiếp cận và phân bổ lượng vccine đáp ứng đủ điều kiện tiêm cho đối tượng 12-17 tuổi - cụ thể là vaccine do hãng Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất.