Thanh tra Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị các Cục Quản lý đường bộ khu vực, Thanh tra các Sở Giao thông vận tải và Thanh tra Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá.
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, lực lượng thanh tra ngành giao thông vận tải tập trung triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, "tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện còn phức tạp, đặc biệt là vi phạm về xếp hàng hóa trên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá, như: nhà máy sản xuất, mỏ vật liệu, cảng hàng hải, cảng, bến thủy nội địa,... tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự, giao thông vận tải và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Để góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng có thẩm quyền tại địa bàn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra tải trọng phương tiện đường bộ.
Trong đó, tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về xếp hàng hoá trên xe ô tô theo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngay tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá.
Đặc biệt là các nhà máy sản xuất hàng hoá, mỏ vật liệu và cảng hàng hải, cảng, bến thủy nội địa có nhiều phương tiện vận tải đường bộ tải trọng lớn vào bốc xếp hàng hóa.
Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính về xếp hàng, tải trọng phương tiện, cần phải tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập chứng cứ, xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính về cơi nới thành thùng xe tải tự đổ theo quy định.
Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc sử dụng, bảo quản và xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
Thời gian vừa qua, theo ghi nhận, các chủ xe, lái xe lợi dụng tiếp tục vi phạm chở hàng quá tải, dẫn đến tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ, đường cao tốc và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp… Tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa.
Bên cạnh đó, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng cao từ 1-2m, kể cả sơmi rơmoóc tự đổ để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên các quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương tái diễn, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Miền Trung, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến việc xử lý xe vi phạm quá tải của lực lượng thanh tra giao thông, 5 năm thực hiện chỉ thị về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM phát hiện và lập biên bản gần 11.500 trường hợp vi phạm đối với gần 6.000 phương tiện về quá tải, quá khổ, với tổng số tiền xử phạt 158,991 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho TP.HCM áp dụng phạt “nguội” các xe vi phạm qua sử dụng cân tự động cảm biến thạch anh, áp dụng đối với các trạm kiểm tra tải trọng xe đã đầu tư trên địa bàn TP.HCM.