Các chuyên gia đã làm rõ những vấn đề về phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam thông qua ứng dụng nền tảng kỹ thuật số; canh tác thông minh – từ ý tưởng đến hiện thực; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá chất lượng thực phẩm… tại hội thảo chuyên đề thứ 9 của Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0. Phiên hội thảo này có chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, diễn ra vào chiều 17/11/2021.
TỐI ƯU HÓA SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nông nghiệp, nông thôn đã được Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên. Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường…
Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
"Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết".
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Hiện nay chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số. Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn
Ông Nadav Eshar, đại sứ Isarel đem đến hội thảo những câu chuyện thành công của công nghệ nông nghiệp của đất nước hầu như không có bất cứ điều kiện tự nhiên thuận lợi nào để phát triển nông nghiệp truyền thống. Đó là hỉnh ảnh của những cánh đồng nhân tạo trên sa mạc, các vựa tôm trong lồng kính... Con đường từ trang trại đến bàn ăn được kiểm soát chất lượng, người nông dân không cần phải lo quá nhiều.
“Đó là công sức của ngành công nghệ nông nghiệp mà Isreal đã xây dựng được trên cơ sở phát huy mối liên hệ tương hỗ giữa người nông dân - nhà nghiên cứu và ngành nông nghiệp, gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư”, đại sứ Nadav Eshar chia sẻ.
Theo ông Nadav Eshar, 50% nguồn vốn đầu tư vào công nghệ nông nghiệp của Israel là từ bên ngoài, từ các quỹ đầu tư. Ở đây, vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm.
"Đừng coi ngành nông nghiệp là một ngành truyền thống như trước. Cũng như khi thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngập mặn... để có quyết sách phù hợp", ông Nadav Eshar khuyến cáo.
Bà Dina Umail- Deiginger, Giám đốc thực hành nông nghiệp, thực phẩm toàn cầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới), chia sẻ kinh nghiệm một số quốc gia khu vực châu Phi đã tổ chức các cuộc thi sáng tạo chuyển đổi số cho nông nghiệp.
“Tuy nhiên, để khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, khởi nghiệp tham gia, cần môi trường chính sách thuận lợi, khuyến khích chuyển đổi số, thu hút không chỉ các nhà sáng tạo, các nhà khởi nghiệp mà các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc khuyến khích người dân tham gia cũng cần vai trò của chính quyền địa phương, vai trò của Chính phủ mà tính dẫn dắt và quyết định”, bà Dina Umail- Deiginger nhấn mạnh.
HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP
Cũng tại hội thảo, đại diện đến từ FPT Digital, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc khối tư Chiến lược và đổi mới, chia sẻ rất nhiều công nghệ số đã đi vào ứng dụng thực tiễn trong nông nghiệp.
Đó không chỉ là nông nghiệp chính xác,với việc kết hợp các công nghệ tiên tiến nhất sẽ giúp người nông dân và các doanh nghiệp hướng tới mô hình quản lý canh tác, sản xuất toàn trình. Trong đó, việc đưa ra quyết định về các thông số trong canh tác sẽ được đưa ra tự động hoặc bán tự động dựa trên dữ liệu và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, đảm bảo độ tối ưu cho mỗi mùa vụ.
"Số hóa ngành nông nghiệp nên bắt đầu từ các yếu tố cốt lõi là trồng rau màu và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Song song, đề xuất số hóa các ngành liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp như cung ứng, chế biến, tiêu thụ là xây dựng mạng lưới thương mại điện tử kết nối nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ".
Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc khối tư Chiến lược và đổi mới của FPT Digital.
Đó là, IoT kết nối thiết bị, quản lý tự động trong trồng trọt; máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng IoT kết hợp hệ thống tưới tự động; ử dụng AI và Data Analytics trong cảnh báo nông nghiệp.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những công nghệ đơn giản như truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị nông sản. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh thành, 1.826 mã số cơ sở đóng gói Rất nhiều nông sản được dán tem nhãn QR giúp người tiêu dùng truy xuất thông tin bằng điện thoại thông minh. Tới đây, “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia” sẽ được đưa vào vận hành để thúc đẩy cuộc đua về truy xuất nguồn gốc.
Cho rằng Hệ sinh thái số cho nông nghiệp sẽ là đích đến để đảm bảo phát triển bền vững, ông Lê Vũ Minh khuyến nghị cần hoàn thiện hệ sinh thái số, bằng việc số hóa toàn diện các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp-nông thôn như: cần tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển đổi số phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Khuyến khích tối đa, các doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.