August 22, 2023 | 07:00 GMT+7

Số hoá nguồn nhân lực logistics: Đòi hỏi hết sức cấp bách

Song Hà -

Tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tính đến hết năm 2022 Việt Nam có gần 36.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Quy mô trung bình 20 lao động/doanh nghiệp, tổng số lao động trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam khoảng 720.000 người.

Báo cáo logistics Việt Nam năm 2022 dự kiến, đến năm 2030, nhu cầu bổ sung thêm nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường.

NGUỒN NHÂN LỰC VỪA THIẾU VỪA YẾU

Theo kết quả khảo sát của báo cáo, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Trên thực tế quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp hiện nay.

Hiện có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.

Báo cáo nhận định nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Nhân lực logistics ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có.

Còn theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, về chất lượng nguồn nhân lực logistics, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) cũng ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo, chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Những hạn chế này càng bộc lộ rõ trong bối cảnh hiện nay. Tại diễn đàn “Nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics - gắn kết hiệu quả với đào tạo” trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam, ông Phạm Nam Long, Tổng Giám đốc và nhà sáng lập Công ty cổ phần Abivin Việt Nam (ABIVIN), nhận định lực lượng lao động logistics Việt Nam hiện bộc lộ một số ưu điểm về kỹ năng số dựa trên khả năng thích nghi, sẵn sàng học hỏi và phần lớn còn trong độ tuổi trẻ nên nhanh chóng làm quen với công nghệ.

Tuy nhiên, nhược điểm cố hữu mà lực lượng lao động logistics Việt Nam gặp phải về kỹ năng số bắt nguồn từ việc thiếu đào tạo chuyên sâu và việc tiếp xúc rất hạn chế với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và phân tích dữ liệu nâng cao. Điều này gây trở ngại cho khả năng tận dụng những công nghệ này để tối ưu hóa hoạt động.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng ban nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, nhấn mạnh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với sự biến đổi số hóa trong quá trình vận hành và quản lý.

Đánh giá mức độ năng lực của nhân viên trong lĩnh vực này, kỹ năng về ý thức thực hiện trách nhiệm xã hội nhận được điểm cao nhất (4,02/5), còn kỹ năng sáng tạo nhận điểm thấp nhất (3,21/5), kỹ năng chuyển đổi số 3,23/5 và IT 3,28/5. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của thời đại, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của người lao động cần phải được đào tạo và trang bị kỹ năng số.

CẦN NÂNG CAO KỸ NĂNG SỐ

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nhấn mạnh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đang đối mặt với cơ hội và thách thức mới.

Để đối phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, trang bị nhân lực với kỹ năng số trở nên vô cùng quan trọng. Kỹ năng số đã trở thành yếu tố không thể thiếu của nguồn lao động, có vai trò quyết định trong việc phát triển chuyên môn trong hiện tại và trong tương lai.

Ông Lợi chia sẻ, điều đáng mừng, theo khảo sát do Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam thực hiện tháng 7/2023 về kỹ năng số trong lĩnh vực logistics cho thấy về việc thực hiện các chính sách, quy trình để đào tạo nhân viên về kỹ năng số và chuyển đổi số, hơn 86% các doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, hơn 63% doanh nghiệp cho rằng cần hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao kỹ năng số cho HR. “Qua đó, có thể thấy hiện nay các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số và đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực”, ông Lợi đánh giá.

Theo khảo sát các cơ sở đào tạo vào tháng 7/2023 về việc làm thế nào để nâng cao kỹ năng số cho sinh viên hiện nay, hơn 67% cơ sở đào tạo cho rằng cần phát triển môi trường học tập số.

Hơn 70% cơ sở đào tạo nhận định cần chú trọng hỗ trợ giáo viên cập nhật xu hướng công nghệ cũng như chú trọng đầu tư phần mềm để sinh viên được thực hành với hơn 82,5%.

Có tới 77,5% cơ sở đào tạo cho rằng cần phải có một chiến lược để xây dựng chương trình học đa dạng và linh hoạt, cũng như tập trung vào công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy.

Đồng thời cần phải kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường-hiệp hội/doanh nghiệp-tổ chức quốc tế để phát triển chương trình đào tạo, tích hợp ứng dụng chuyển đổi số phù hợp. Kết hợp với huấn luyện giảng viên và sinh viên làm quen với các ứng dụng số hóa.

Đề xuất một loạt giải pháp để cải thiện tình hình đào tạo và huấn luyện kỹ năng số trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ông Lợi cho rằng cần ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để phát triển chương trình đào tạo phù hợp. Kết hợp việc đào tạo với huấn luyện giảng viên và sinh viên trong việc làm quen với công nghệ số...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2023 phát hành ngày 21-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Số hoá nguồn nhân lực logistics: Đòi hỏi hết sức cấp bách - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate