Dân tộc Khmer có những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, cùng nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ Chôl Chnăm Thmây (lễ năm mới); lễ hội Ok Om Bok (lễ cúng trăng); Sen Dolta (lễ cúng ông bà); lễ Lôi Protip (Lễ thả đèn nước); hát múa Rô Băm (hát rằm), múa nghệ thuật apsara, nghệ thuật điêu khắc, trang trí... đã tạo nên nhánh văn hoá đặc sắc, hấp dẫn cho du lịch miền Tây.
ĐỘC ĐÁO VĂN HOÁ BẢN ĐỊA
Sóc Trăng là địa phương có người dân tộc Khmer sinh sống đông nhất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 31,5% trên tổng số 1,4 triệu người Khmer. Với những phong tục, tập quán độc đáo, lâu đời, đặc biệt, nghệ thuật hát Rô Băm của người Khmer Sóc Trăng đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 446 vào năm 2019)… Những chất liệu này đã kết tạo nên một bản sắc văn hoá riêng biệt, hấp dẫn du khách thập phương tìm đến và khám phá.
Theo chân đoàn khảo sát du lịch của các đơn vị lữ hành (farmtrip) trong chương trình kết nối du lịch TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Ân, Phó phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đây là một trong những chuyến farmtrip mà TP.HCM và 13 tỉnh miền Tây thực hiện để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cây lúa, cây ăn quả, thủy sản… cũng như phát huy các giá trị văn hóa bản địa, hình thành những sản phẩm du lịch liên vùng; hoàn thiện chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch của các địa phương.
Đến với Sóc Trăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc chùa được xây dựng dựa trên tinh thần văn hóa Phật giáo Tiểu thừa, với nét trang trí độc đáo tại các ngôi chùa nổi tiếng, như: chùa Som Rong, Mahatup (chùa Dơi), chùa Wath Sro Loun (chùa Chén Kiểu), chùa Kh’leang… được lắng nghe những âm thanh vang vọng từ bộ nhạc ngũ âm truyền thống... Các bức phù điêu sặc sỡ được trang trí trên các bức tường, các cột kèo, cánh cửa chính điện… lấy cảm hứng từ cuộc đời của Đức Phật… Bên ngoài cửa chính điện là các bức phù điêu đắp nổi các hình tượng tiên nữ xinh đẹp, đầu thần Bayon bốn mặt, chim thần Krud, chằn Yeak hung dữ...
Chị Nguyễn Thanh Phương, CEO của Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Du lịch Nam Phương (Sóc Trăng), cho biết việc tu hành của Phật giáo Tiểu thừa khá thoải mái, không khắt khe như Phật giáo đại thừa, cho phép người tu hành có thể ăn uống đồ mặn, không nhất thiết ăn chay toàn bộ quá trình đi tu. Người Khmer khuyến khích con cái họ đi chùa nghĩa vụ 1-2 năm, gọi là “tu báo hiếu”. Do đó, chùa được xây rất nhiều ở Sóc Trăng, lên đến 92 ngôi chùa.
Một trong nét tiêu biểu của văn hoá Khmer phải kể đến “Lễ hội đua ghe Ngo” tại Sóc Trăng. Đây là sự kiện văn hóa lớn, mang tầm khu vực và quốc gia. Giải đua ghe Ngo năm 2022 đã thu hút 6.000 vận động viên với 54 đội (45 đội nam và 9 đội nữ), trong đó, 14 đội đến từ các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang.
Chị Nam Phương cho biết thêm, người Khmer rất yêu thích và tự hào về hoạt động đua ghe Ngo. Lễ hội này được diễn ra vào ngày 14 và 15 Khe Kađâk (rằm tháng 10 âm lịch) nhân dịp lễ hội Ok Om Bok hằng năm. Với đồng bào Khmer, ghe Ngo được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh phum sóc. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã tự bỏ tiền ra để lo cho cả đội ghe Ngo (60-120 người) từ lúc tập luyện cho đến ngày tham dự lễ hội.
Ngoài ra, người Khmer còn có múa nghệ thuật apsara, lễ hội thả đèn nước (Lôi Protip) và ghe Cà Hâu trên sông Maspero (tại trung tâm TP. Sóc Trăng), thể hiện ứng xử của người Khmer đối với thần đất, thần nước… để cầu mong mùa màng tốt tươi, bội thu.
ĐẨY MẠNH DU LỊCH TRẢI NGHIỆM
Tuy nhiên, những nét đẹp văn hoá độc đáo của người Khmer mới chỉ được khai thác đơn thuần. Theo ông Phạm Văn Đâu, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch tỉnh Sóc Trăng, hiện nay tỉnh đã đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư vào phát triển du lịch, để không còn tình trạng nhiều đoàn khảo sát đến rồi lại đi. Tỉnh đang rất cần đầu tư để phát triển bài bản các sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia khảo sát, chị Nguyễn Ngọc Trang, Công ty cổ phần Du lịch Hoà Bình Việt Nam, cho rằng cơ sở lưu trú của Sóc Trăng cần đáp ứng nhu cầu của nhóm khách du lịch cao cấp. Có thể không phải là các khách sạn 4-5 sao, mà là những khu lưu trú khang trang, mang tính bản địa. Chẳng hạn, cần nhiều công trình nhà Khmer trong khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang triển khai của MC Quyền Linh tại Sóc Trăng, để du khách có thể trải nghiệm sống trong ngôi nhà của người Khmer.
Đánh giá về sản phẩm du lịch hiện có, theo chị Trang, nếu không phải vào mùa lễ hội, khi các hướng dẫn viên dẫn khách tới các điểm đến thì lại thiếu vắng các màn múa nghệ thuật apsara, hoặc hát múa Rô Băm… Điều này làm cho du khách không thưởng thức được nét độc đáo người Khmer khi đến Sóc Trăng. Ngoài ra, cũng cần có điểm nhấn về ẩm thực của người Khmer, để làm sao thông qua món ăn du khách biết thêm về thiên nhiên, nông sản miền Tây…
Còn theo đại diện công ty TNHH DMC Mekong Image Travel and Events Vũ Nguyễn Minh Trí, cho rằng các cơ sở lưu trú ở Sóc Trăng hiện tại không thiếu, nhưng cần làm mới lại các hoạt động sau dịch Covid-19, đừng để du khách thấy những “tàn tích của cơn ngủ đông” vẫn còn tại các nhà khách. Du khách đến đây muốn cảm nhận một sự khác biệt so với các nơi khác, đó là được hoà vào không gian sống của người Khmer tại Sóc Trăng.
Nhiều đại diện của các đơn vị lữ hành tại TP.HCM, Hà Nội cũng cho rằng nhu cầu vui chơi của người dân rất lớn, khách du lịch cần những địa điểm giải trí mới lạ, mang nét riêng của văn hoá bản địa. Các địa phương cần tự biết được điểm mạnh của mình để cùng các công ty du lịch xây dựng, thiết kế những sản phẩm du lịch độc đáo.
“Nên chăng hình thành những tour mẫu (xác định các điểm đến có những đặc trưng của địa phương) để các đơn vị lữ hành giới thiệu cho khách…”, ông Phan Đình Huê, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, gợi ý.
Hoạt động du lịch được coi là vừa làm kinh tế vừa làm truyền thông văn hoá. Vì vậy, một sản phẩm du lịch thành công cần phải “thổi hồn” vào những công trình di tích, chương trình, lễ hội, ẩm thực… tại những điểm đến, như thế mới lưu lại ấn tượng tốt cho du khách.
Ghi nhận những ý kiến từ các đơn vị lữ hành, ông Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng, cho biết trong thời tới, tỉnh sẽ duy trì khu chợ đêm 2 bên bờ sông Maspero (trung tâm TP. Sóc Trăng); thứ 7 hằng tuần sẽ có biểu diễn nghệ thuật của người Khmer; tại các điểm đến là các nhà hàng ẩm thực cũng sẽ có múa nghệ thuật apsara… phục vụ khách đến tham quan.
“Du lịch trải nghiệm sẽ là một điểm nhấn của Sóc Trăng khi văn hoá Khmer là nét riêng độc đáo của tỉnh và sẽ được khai thác sâu để mang đến những thú vị cho du khách khi đến đây”, ông Lý nhấn mạnh.