Tiếp tục phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
TÍNH TOÁN KỸ LƯỠNG, ĐẢM BẢO TÍNH HIỆU QUẢ VÀ KHẢ THI
Phát biểu tại phiên họp, cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu, tính toán nguồn vốn sao cho phù hợp, cân đối các nguồn lực, đánh giá năng lực các nhà thầu… để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của các dự án.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu tối đa và có giải trình, thuyết minh thật thỏa đáng, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra.
Bên cạnh đó, dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là hai dự án quan trọng quốc gia, do vậy trong các báo cáo cần thể hiện rõ cơ quan trình hai dự án này là Chính phủ. Chính phủ chịu toàn bộ trách nhiệm triển khai cũng như trách nhiệm trước Quốc hội đối với các dự án này; đảm bảo khi trình ra Quốc hội sẽ sự có chia sẻ, thống nhất, đồng thuận cao.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong việc tổ chức triển khai các dự án.
Liên quan đến các nội dung Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư dự án và việc cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công của các địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện theo đúnh quy định của pháp luật.
DỒN DẬP XÂY CAO TỐC, KHÓ ĐẢM BẢO HOÀN THÀNH NĂM 2025
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án đường Vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM.
Đánh giá về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đề xuất của Chính phủ (quy mô 4 làn xe, mặt đường 17m, mặt cầu 17,5m và không có 2 làn dừng xe khẩn cấp) chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc, do đó đề nghị thuyết minh thuyết phục hơn về quy mô đầu tư phân kỳ này.
Ngoài ra, cần rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến... để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông và tối ưu tổng mức đầu tư của dự án.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam không có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn, quy mô đường song hành.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tờ trình của Chính phủ chưa rõ việc có thu phí với các tuyến đường song hành hay không.
"Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành rất lớn 35-54,5m, tương đồng với quy mô đường đô thị theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104 : 2007 về đường đô thị và chủ yếu phục vụ cho việc phát triển không gian đô thị. Hơn nữa, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đường vành đai này không bao gồm các đường song hành. Do đó, đề nghị cần xác định rõ đường song hành là đường đô thị", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế yêu cầu.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, việc Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành nên được cân nhắc lại.
Bởi, như phân tích của Ủy ban Kinh tế diện tích của đường song hành là rất lớn, chí phí có khi còn cao hơn đường chính và có thể sẽ làm tăng tổng mức đầu tư lên rất nhiều. Do vậy, Chính phủ cần tính toán, cân nhắc đường song hành này trong hai dự án có thực sự cần thiết hay không?
Về tốc độ thiết kế, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc đầu tư theo thực tế khai thác (80km/h) đối với dự án thành phần 3, dự án Vành đai 4 để tiết giảm tổng mức đầu tư.
"Việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn như nguồn nhân lực, vật liệu, thiết bị máy móc…, do đó, sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Đồng thời, "Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ hoàn thành dự án và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của dự án", ông Thanh đề nghị.
Do vậy, Chính phủ cũng cần đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Chính phủ cần làm rõ cơ sở phân bổ ngân sách trung ương đối với từng dự án thành phần, đối với từng địa phương; đồng thời bổ sung làm rõ khả năng cân đối ngân sách, năng lực quản lý, kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các địa phương được giao quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án thành phần.
"Làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm “đầu mối” của Hà Nội, TP.HCM cơ chế phối hợp, tham gia của các địa phương liên quan và cơ quan sẽ thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở để việc tổ chức thực hiện toàn bộ các dự án thành phần này thuận lợi và bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất của các dự án", ông Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng quan ngại với đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư dự án giai đoạn 2024 - 2025, một trong các chính sách được đề xuất tại hồ sơ dự án. Do theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Chính phủ không được phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại.
"Hơn nữa, việc chính quyền địa phương vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ và chịu trách nhiệm cân đối ngân sách địa phương để hoàn trả vào ngân sách Trung ương sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân sách", ông Thanh nêu rõ.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng đề xuất sử dụng hoàn toàn vốn đầu tư công.
Còn dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đi qua 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, có tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT.