Cơn sốt giá trên thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu tiếp tục lan rộng, và ngô là một trong những mặt hàng gia nhập sự leo thang chóng mặt này.
Từ đầu năm đến nay, giá ngô đã tăng khoảng 50%. Nếu so với cách đây 1 năm, giá ngô đã tăng gấp đôi. Ngô - một nông sản chính của Mỹ - hiếm khi đắt như hiện nay, Wall Street Journal cho hay.
Tờ báo này nói rằng: ngô là một trong những mặt hàng tăng giá nóng nhất trong đợt sốt nguyên vật liệu thô hiện nay - hiện tượng khiến nhiều công ty phải tăng giá bán sản phẩm và giới đầu tư lo ngại lạm phát có thể bóp nghẹt sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Giá gỗ ở Mỹ đã tăng lên mức cao gấp hơn 4 lần so với bình thường; giá kim loại đồng lập kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu; giá dầu thô đang cao nhất kể từ năm 2018; giá đậu tương đang ở đỉnh kể từ năm 2012…
Việc giá ngô tiến gần tới mức kỷ lục được xem là một chỉ báo cho thấy giá nhiều thực phẩm sẽ tăng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, vì ngô được dùng làm nguyên liệu đầu vào để chế biến thực phẩm và cả thức ăn chăn nuôi.
Trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá ngô giao tháng 5 ở Mỹ giảm 3,2%, còn 7,48 USD/giạ. Hôm 7/5, giá ngô đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 - thời điểm mà hạn hán ở vùng Midwest đẩy giá ngô lên mức kỷ lục 8,31 USD/giạ.
Cũng theo Financial Times, Trung Quốc đang ồ ạt nhập khẩu ngô để vỗ béo cho đàn lợn hàng triệu con, thay thế cho đàn lợn mà nước này bị mất trong dịch tả lợn châu Phi hồi trước đại dịch Covid-19. Theo dự báo, trong năm nay, Trung Quốc sẽ nhập khẩu ngô nhiều gấp 4 lần so với bình thường, và chủ yếu nhập từ Mỹ.
Nhu cầu đi lại gia tăng ở Mỹ khi nền kinh tế mở cửa trở lại cũng đồng nghĩa với lượng tiêu thụ ngô lớn hơn. Đó là bởi ngô được dùng để sản xuất ethanol và ethanol được pha vào xăng. Khoảng 40% sản lượng ngô của Mỹ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào sản xuất ethanol.
Giá ngô và các hàng hoá khác còn tăng cao do giới đầu tư đổ tiền mạnh vào thị trường nguyên vật liệu thô để phòng ngừa rủi ro lạm phát. Tổng giá trị hợp đồng mở (open interest) trên thị trường nông sản giao sau ở Mỹ, một thước đo về hoạt động giao dịch, tăng lên mức kỷ lục 315 tỷ USD trong tháng trước - theo số liệu từ JPMorgan Chase. Còn theo số liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai (CFTC), số hợp đồng đầu cơ giá lên đối với ngô đang nhiều gấp 17 lần số hợp đồng đầu cơ giá xuống.
Trong nhiều năm trở lại đây, giá ngô hiếm khi nào tăng mạnh như hiện nay, và khi giá tăng, đó thường là kết quả của vụ thu hoạch thất bát.
Về phần mình, nhiều nông dân Mỹ đang găm hàng ngô để đợi giá cao hơn, khiến nguồn cung càng thêm phần thắt chặt.
Theo chuyên gia Peter Meyer của S&P Global Platts, nhiều nông dân Mỹ đang hy vọng sẽ lấy lại được những gì đã mất khi họ phải bán ngô với giá rẻ trong thời gian đại dịch hồi năm ngoái. Một số khác thì đang có nhiều tiền trợ cấp từ Chính phủ trong thương chiến Mỹ-Trung nên không ngại việc găm hàng.