January 11, 2022 | 07:49 GMT+7

S&P 500 giảm liền 5 phiên, giá dầu đi xuống, Bitcoin vẫn trượt dốc

Bình Minh -

Sự khởi đầu gập ghềnh năm 2021 của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh lãi suất có khả năng tăng mạnh...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thị trường chứng khoán Mỹ gắng gượng hồi phục trong nửa sau của phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/1), khi cổ phiếu công nghệ đảo ngược xu hướng giảm mạnh trước đó, giúp chỉ số Nasdaq tăng nhẹ và chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Trong khi đó, S&P 500 và Dow Jones có thêm một phiên giảm.

Giá dầu thô đi xuống do tốc độ lây nhanh của biến chủng Omicron đặt ra mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Giá Bitcoin vẫn giảm, còn chưa đầy 42.000 USD.

Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 0,05%, đạt 14.942,83 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số giảm hơn 2%.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,14%, còn 4.670,29 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 162,79 điểm, tương đương giảm 0,45%, còn 36.068,87 điểm. Tuy nhiên, mức điểm chốt phiên của cả hai chỉ số đều cao hơn nhiều so với mức đáy thiết lập trước đó trong phiên.

Vào đầu phiên giao dịch, cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn chịu áp lực bán mạnh. Sau đó, nhóm này ổn định và chuyển sắc xanh vào buổi chiều. Nvidia, Tesla và Apple đều đóng cửa trong trạng thái tăng dù đã giảm vào đầu phiên.

Sự khởi đầu gập ghềnh năm 2021 của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 1,8% trong phiên sáng ngày thứ Hai, từ mức chốt năm 2021 là 1,51%. Tuy nhiên, vào cuối ngày, lợi suất này đã giảm xuống.

Lợi suất tăng mạnh gần đây do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay, một tín hiệu cho thấy Phố Wall ngày càng kỳ vọng Fed sẽ hành động quyết liệt để chống lạm phát.

Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, thị trường có vẻ đã tụt về sát các các kỹ thuật chủ chốt trong phiên ngày thứ Hai. Ở đáy của phiên, Nasdaq đã giảm hơn 9% so với mức đóng cửa kỷ lục thiết lập vào tháng 11, đặt chỉ số sát ngưỡng thị trường điều chỉnh (correction). Chiến lược gia Mark o Kolanovic của JPMorgan nhận định đã đến lúc nhà đầu tư nên bắt đáy.

Giám đốc đầu tư (CIO) Shannon Saccocia của Boston Private Wealth nhận định nền kinh tế Mỹ có đủ khả năng để đương đầu với mức lãi suất cao hơn.

“Ngày hôm nay, tôi chưa hẳn đã muốn bắt đáy những cổ phiếu tăng trưởng tăng trưởng cao. Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng từ góc độ kinh tế, tăng trưởng sẽ tiếp tục trong vài quý tới đây. Bởi vậy, có nhiều thứ tích cực để bù lại những gì đang diễn ra trong môi trường lãi suất”, bà Saccocia nói.

CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cũng đưa ra quan điểm lạc quan. Trao đổi với CNBC, ông dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay cho dù Fed có thể tăng lãi suất 4 lần trong cả năm.

Dù mức giảm đã thu hẹp phiên này, chứng khoán Mỹ đã tụt mạnh từ đầu năm đến nay. S&P 500 đã giảm 5 phiên liên tục và mất 2% điểm số kể từ phiên đầu năm. Nasdaq giảm hơn 4% trong cùng khoảng thời gian.

Tuần này có nhiều dữ liệu kinh tế và tin tức từ ngân hàng trung ương. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần vào ngày thứ Ba, ứng viên Phó chủ tịch Fed Lael Brainard sẽ điều trần vào ngày thứ Năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021 sẽ khởi động vào ngày thứ Sáu, với báo cáo từ ba “ông lớn” ngân hàng JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa giảm 0,88 USD/thùng, tương đương giảm gần 1,1%, còn 80,87 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,67 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,9%, còn 78,23 USD/thùng.

Thị trường năng lượng vẫn đang ít nhiều lo ngại rằng sự lây lan của biến chủng Omircon sẽ khiến đà phục hồi của nhu cầu tiêu thụ xăng dầu bị cản trở. Ngoài ra, theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures, giá dầu cũng chịu ảnh hưởng bởi sự đi xuống của thị trường chứng khoán toàn cầu do mối lo lãi suất tăng.

Tuần trước, giá dầu tăng 5% sau khi biểu tình ở Kazakhstan gây gián đoạn hoạt động sản xuất dầu ở quốc gia vùng Trung Á này. Tuy nhiên, đến ngày thứ Hai, mỏ dầu lớn nhất của Kazakhstan đã dần khôi phục sản lượng.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin vẫn duy trì xu hướng giảm nhỏ giọt từ cuối tháng 12. Lúc hơn 7h sáng nay (11/1), giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đứng ở 41.730 USD, giảm hơn 0,4% so với cách đó 24 tiếng – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com. Kỷ lục giá mọi thời đại của Bitcoin là gần 69.000 USD thiết lập hồi tháng 11. Từ đỉnh giá này, Bitcoin hiện giảm hơn 39%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate