Các nền kinh tế ở khu vực châu Á sẽ đối mặt với 3 rủi ro trong năm nay, theo chuyên gia kinh tế cấp cao Carlos Casanova của ngân hàng Thuỵ Sỹ chuyên phục vụ khách tư nhân nhà giàu UBP.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Casanova nói rằng các rủi ro này bao gồm số ca nhiễm Covid do biến chủng Omicron tăng cao, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc về mức khoảng 5%, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến. Vị chuyên gia nói những yếu tố này “đặt ra nguy cơ đối với toàn thể khu vực” châu Á.
Biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed công bố vào tuần trước cho thấy các quan chức của Fed - ngoài việc quyết định đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến nâng lãi suất 3 lần trong năm nay - còn bàn đến việc thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán. Điều này cho thấy Fed cứng rắn hơn so với những gì thị trường kỳ vọng trước đây.
Cho dù đang ở trong một vị thế vững chắc, các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố trên, nhất là khi Fed hành động quyết liệt về chính sách tiền tệ.
“Chênh lệch lãi suất thực giữa các thị trường mới nổi ở châu Á và Mỹ sẽ được rút ngắn. Điều này có thể dẫn tới sự rút vốn mạnh hơn khỏi thị trường trái phiếu khu vực, nhất là từ các nền kinh tế có mức độ dễ tổn thương cao hơn”, ông Casanova nói thêm.
Năm 2013, khi Fed bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản, giới đầu tư toàn cầu đã hoảng sợ, dẫn tới trái phiếu bị bán tháo và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt. Kết quả là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á chứng kiến sự thoái vốn mạnh mẽ và đồng nội tệ sụt giá chóng mặt, buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực phải nâng lãi suất để bảo vệ tài khoản vốn.
Theo ông Casanova, tất cả sẽ tuỳ thuộc vào việc Fed sẽ bình thường hoá chính sách với tiến độ như thế nào trong những tháng tới đây.
“Điều mà thị trường không muốn là Fed vừa giảm quy mô bảng cân đối kế toán vừa nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022”, ông nhấn mạnh và dự báo rằng kịch bản như vậy sẽ dẫn tới dòng vốn chạy mạnh hơn khỏi khu vực và gây áp lực giảm lạm phát.