Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/9) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với S&P 500 tăng phiên thứ hai liên tiếp nhưng Dow Jones đi xuống, trong bối cảnh nhà đầu tư gắng gượng đưa thị trường hồi phục sau sự khởi đầu tháng 9 đầy gian nan. Mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng khiến giá dầu “bốc hơi” mạnh, tụt xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm trở lại đây.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,45%, đạt 5.495,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,84%, đạt 17.025,88 điểm. Riêng Dow Jones giảm 92,63 điểm, tương đương giảm 0,23%, còn 40.736,96 điểm.
Cổ phiếu công nghệ giữ vai trò trụ cột trong phiên này, giữ sắc xanh của phiên trước ở lại với S&P 500 và Nasdaq. Trong đó, Nvidia tăng 1,5%. Gần đây, nhóm công nghệ bị bán tháo do nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Quỹ Technology Select Sector SPDR Fund đã giảm khoảng 7% trong quý này.
Trái lại, cổ phiếu ngân hàng là nhóm gây áp lực giảm lớn nhất lên thị trường phiên này. JPMorgan Chase giảm hơn 5% sau khi nhà băng lớn nhất Mỹ đưa ra nhận định thận trọng về lợi nhuận ròng từ lãi suất năm 2025 tại một hội thảo của ngành ngân hàng. Đây cũng chính là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong Dow Jones - chỉ số blue-chip với 30 cổ phiếu thành viên.
Phiên ngày thứ Ba không có số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nào được công bố, và sự chú ý của nhà đầu tư đang hướng tới hai báo cáo quan trọng sắp được đưa ra. Các báo cáo này bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm. Các dữ liệu này được cho sẽ là căn cứ quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xác định mức cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới.
“Ngày hôm nay giống như một khoảng lặng trước bão… Trước khi có báo cáo CPI vào ngày mai, nhà đầu tư không muốn mua bán gì nhiều”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của công ty Carson Group nhận định với hãng tin Reuters.
Thị trường kỳ vọng báo cáo CPI sẽ cho thấy lạm phát ở Mỹ giảm gần hơn về mục tiêu 2% của Fed, phản ánh niềm tin của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng lạm phát đã được kiểm soát, và sự suy yếu của thị trường việc làm cho thấy đã đến lúc hạ lãi suất.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 100% Fed hạ lãi suất vào ngày thứ Tư tới. Trong đó, khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 71% và khả năng Fed chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm là 29%.
“Nhà đầu tư đang chờ xem Fed sẽ làm gì, và các báo cáo kinh tế sắp tới như thế nào. Cho tới hiện tại, các dữ liệu cho thấy khả năng cao nhất là một cuộc hạ cánh mềm hoặc suy thoái rất nhẹ”, Phó chủ tịch Oliver Pursche của công ty Wealthspire Advisors nhận định với Reuters.
Dù được nâng đỡ bởi khả năng Fed hạ lãi suất và tin bão trên Vịnh Mexico, giá dầu thô vẫn có một phiên giảm sâu xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Giá dầu Brent giao sau tại London chốt phiên với mức giảm 2,65 USD/thùng, tương đương giảm 3,69%, còn 69,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,96 USD/thùng, tương đương giảm 4,31%, đóng cửa ở 65,75 USD/thùng.
Nguyên nhân chính dẫn tới phiên lao dốc này của giá dầu là báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. OPEC cho rằng nhu cầu dầu của thế giới chỉ tăng 2,03 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn mức dự báo tăng 2,11 triệu thùng/ngày mà tổ chức này đưa ra vào tháng trước.
Kể từ khi đưa ra dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 lần đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái cho tới tận tháng trước, OPEC đã giữ nguyên dự báo này.
Ngoài ra, báo cáo của OPEC cũng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2025 về 1,74 triệu thùng/ngày từ mức 1,78 triệu thùng/ngày trước đó.
Trái lại, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 10/9 cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay và tăng trưởng sản lượng dầu của thế giới sẽ thấp hơn các dự báo đưa ra trước đây. Theo EIA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 103,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, cao hơn khoảng 0,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước.
Tuy nhiên, báo cáo của EIA không đủ để đưa giá dầu thoát khỏi tình trạng giảm sâu, vì nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc. Số liệu công bố cùng ngày cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất gần 1 năm rưỡi trong tháng 8, nhưng nhập khẩu gây thất vọng vì nhu cầu trong nước còn yếu.
“Nhu cầu dầu tại các nền kinh tế phát triển gần như không tăng trong năm nay. Kích cầu bằng chính sách tài khóa ở Trung Quốc không hề thúc đẩy được lĩnh vực xây dựng. Đó là một lý do lớn khiến nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc suy giảm”, chiến lược gia về thị trường dầu Clay Seigle nói với Reuters.
Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group, nhà đầu tư đang phản ánh vào giá dầu sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Cơn bão Francine đang mạnh lên trên Vịnh Mexico đã khiến 1/4 hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi ở khu vực này phải đóng cửa. Vịnh Mexico chiếm khoảng 15% sản lượng dầu và 2% sản lượng khí tự nhiên của Mỹ. Dù vậy, giới phân tích cho rằng tin bão không đủ để bù đắp mối lo về nhu cầu dầu hay hỗ trợ giá dầu.