March 14, 2022 | 16:05 GMT+7

Start-up thương mại điện tử Việt tìm cách "lấp khoảng trống" trên thị trường

Thu Hoàng -

Quý đầu tiên của năm 2022 ghi nhận dấu ấn từ các start-up Việt trong hành trình tìm kiếm những hướng đi khác biệt ở một lĩnh vực vốn đã cạnh tranh gay gắt - thương mại điện tử...

Covid-19 gia tăng khiến thương mại điện tử phát triển bùng nổ hơn trong hai năm qua.
Covid-19 gia tăng khiến thương mại điện tử phát triển bùng nổ hơn trong hai năm qua.

Cuối tháng 2, công ty thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group (OCG) công bố huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A dẫn dắt bởi kỳ lân công nghệ VNG cùng sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.

Đặt trụ sở chính tại Hà Nội với văn phòng đại diện ở San Francisco (Hoa Kỳ) và Thâm Quyến (Trung Quốc), OCG cung cấp dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho những người bán hàng trực tuyến với chi phí thấp và hạn chế rủi ro. 

 
Khi thị trường thương mại điện tử vốn đã rất cạnh tranh bởi sự tham gia từ sớm của những “ông lớn” như Shopee, Lazada hay Tiki... các start-up non trẻ cũng cần có những “ngách” đi riêng biệt.

Còn trước đó, vào khoảng giữa tháng 1, Mio, một nền tảng thương mại điện tử qua mạng xã hội của Việt Nam vừa công bố khoản gọi vốn trị giá 8 triệu đô la cho vòng Series A. Thương vụ đầu tư này giúp nâng tổng số vốn mà công ty huy động được kể từ khi thành lập lên 9,1 triệu USD. 

LẤP DẦN KHOẢNG TRỐNG TRÊN THỊ TRƯỜNG

OCG và Mio là hai trong số những start-up đã nắm bắt được cơ hội trong bối cảnh Covid-19 gia tăng khiến thương mại điện tử phát triển bùng nổ hơn trong hai năm qua.

Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Còn theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), dự báo đến năm 2025, quy mô Thương mại Điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành thị trường có quy mô lớn thứ 3 khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, khi thị trường thương mại điện tử vốn đã rất cạnh tranh bởi sự tham gia từ sớm của những “ông lớn” như Shopee, Lazada hay Tiki... các start-up non trẻ cũng cần có những “ngách” đi riêng biệt. Theo những người trong cuộc, sản phẩm của OCG khác biệt với các nền tảng thương mại điện tử khác nhờ ba yếu tố chính: công cụ tạo cửa hàng trực tuyến ưu việt cho phép người dùng mở cửa hàng chỉ bằng một vài cú nhấp chuột đơn giản; kho thuộc tính sản phẩm lên đến 250 tùy chọn giúp gia tăng cơ hội bán hàng; khung giá phải chăng phù hợp với những người bán có ngân sách hạn chế. 

Nền tảng này cung cấp bộ công cụ nhằm giúp người bán thúc đẩy doanh số bán hàng và nâng tỷ lệ kinh doanh thành công, chẳng hạn như công cụ chiết khấu theo số lượng, bán kèm và bán chéo thông minh, hoặc gợi ý mua hàng cho từng cá nhân…

Với Mio, sàn thương mại điện tử này tập trung vào thị trường mua bán hàng hóa nông sản và hàng tiêu dùng nhanh cho các thành phố cấp 2 và 3 tại Việt Nam. Các tiêu chí mà start-up này đặt ra cho các sản phẩm hàng hóa trên nền tảng của mình là chất lượng đồng nhất, giá cả phải chăng và giao hàng trong ngày hôm sau. 

Đối tác Mio đóng vai trò là người bán, họ nhận đơn đặt hàng từ bạn bè, gia đình, hàng xóm, hay đồng nghiệp của họ thông qua mạng xã hội, sau đó tổng hợp, đặt và quản lý đơn đặt hàng thông qua ứng dụng Mio Partner. 

TĂNG TRƯỞNG BÙNG NỔ

Chỉ trong 12 tháng tính đến cuối tháng 1 năm nay, Mio công bố tổng giá trị giao dịch (GMV) của công ty tăng hơn 50 lần. Hơn 10.000 sản phẩm tươi sống cũng được cung cấp trên nền tảng này mỗi ngày. Mio hiện đã có mặt tại các khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và dự kiến sẽ mở rộng ra khu vực phía Bắc trong những tháng tới.

Start-up này hiện tập trung vào các mặt hàng chủ lực nông sản, và có kế hoạch bổ sung hàng tiêu dùng nhanh và thiết bị gia dụng và có kế hoạch đầu tư vào các trung tâm phân phối mới và các sáng tạo và phát kiến mới trong chuỗi cung ứng để giảm hơn nữa thời gian giao hàng

Trong khi đó với OCG, chỉ hơn hai năm sau khi ra mắt, nền tảng này đã giúp hơn 86.700 người đến từ 195 quốc gia kinh doanh thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu, đạt 670 triệu USD giá trị GMV.

Chia sẻ về quyết định đầu tư vào OCG, đại diện của VNG cho biết, OCG là một trong số ít các công ty tại Việt Nam có khả năng tạo ra sản phẩm cạnh tranh được với các đối thủ lớn ở tầm quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng tiếp theo của thương mại điện tử. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate