Nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn bắt đầu lộ rõ khi độ rộng thay đổi theo hướng tiêu cực. Dù VN-Index mới giảm 3,21 điểm nhờ còn vài trụ nâng đỡ, cổ phiếu đang chịu sức ép rõ ràng hơn và số mã giảm gấp 2,2 lần số mã tăng. Điểm tích cực là thanh khoản sụt giảm tới 32% so với phiên trước.
Thanh khoản giảm có thể xem là biểu hiện tốt nếu nhìn từ góc độ nhu cầu chốt lời sau một nhịp tăng trong ngắn hạn. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay chỉ đạt gần 5.208 tỷ đồng, giảm 32% so với sáng hôm qua. HoSE giảm giao dịch 34%, đạt hơn 4.434 tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên.
Đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn, lợi nhuận 3-5% chỉ trong vòng 5 phiên là một thương vụ tốt. Nếu nhu cầu bán lớn, sức ép sẽ đủ mạnh để đẩy cổ phiếu giảm giá trên diện rộng và thanh khoản cao. Do đó thanh khoản thấp có thể xem là một biểu hiện của nhu cầu lướt sóng ngắn hạn không mạnh, hoặc ít nhất là nhu cầu này chưa tăng đột biến.
Độ rộng của VN-Index thay đổi trong phiên phản ánh khá sát sự thay đổi trong quan điểm giao dịch. Chỉ số tăng đạt đỉnh lúc 9h43, trên tham chiếu 0,31% tương đương hơn 3 điểm, độ rộng ghi nhận 233 mã tăng/136 mã giảm. Đến khoảng 10h50 khi chỉ số chính thức giảm hẳn xuống dưới tham chiếu, độ rộng còn 192 mã tăng/221 mã giảm. Kết phiên sáng HoSE còn 134 mã tăng/298 mã giảm.
Như vậy áp lực bán đã tăng dần theo thời gian và lan tỏa khá rộng chứ không chỉ thuần túy là sự suy yếu từ nhóm trụ. Thực ra các blue-chips sáng nay còn có nỗ lực ổn định chỉ số, nhưng dòng tiền mua đỡ không đủ là lý do chính khiến nhóm này suy yếu dần. VN30-Index giảm 0,24% với thanh khoản thấp kỷ lục 1.358 tỷ đồng, độ rộng 8 mã tăng/17 mã giảm là biểu hiện rõ nhất. Nếu có dòng tiền đỡ tốt thì ít nhất thanh khoản cũng không thấp đến mức như vậy.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, vẫn còn VIC tăng 0,56%, VNM tăng 0,13% và FPT tăng 0,21%, còn lại đều giảm. Dù vậy giảm sâu nhất cũng mới có VHM giảm 1,88% và CTG giảm 0,85%. Còn lại VCB mới giảm nhẹ 0,12%, BID giảm 0,17%, GAS giảm 0,58%, HPG giảm 0,38%, VPB giảm 0,23%.
Nhóm blue-chips nếu tiếp tục có áp lực bán nhẹ thì ảnh hưởng lên chỉ số sẽ hạn chế. Tuy nhiên các phiên chiều thường có lượng hàng giá rẻ về, thay đổi trong cung cầu có thể bất ngờ. Nếu blue-chips giảm mạnh hơn, điểm số sẽ mất nhiều và điều này dễ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý chung khi biên lợi nhuận ngắn hạn giảm xuống nhanh hơn.
Trong 298 cổ phiếu giảm giá sàn HoSE, có 88 mã đang giảm trên 1%. Cũng chỉ có 12 mã trong nhóm này đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Rõ ràng là lực cầu quá yếu, nhưng bên bán cũng mới bắt đầu gia tăng sức ép nên thanh khoản chưa nhiều. DIG giảm 2,18% với 95 tỷ đồng thanh khoản, DCM giảm 1,37% với 62,5 tỷ, PDR giảm 1,29% với 39 tỷ, ANV giảm 1,5% với 37 tỷ, GMD giảm 1,81% với 22,3 tỷ… là một số mã nổi bật. Không có để thấy biên độ tăng trước đó càng tốt thì cổ phiếu càng dễ bị chốt lời phiên này.
Phía ngược lại, trong 134 cổ phiếu đang tăng, có 47 mã tăng trên 1%. Nhóm kịch trần có 8 mã nhưng thanh khoản quá nhỏ. Số ít cổ phiếu giao dịch tích cực là PVD tăng 4,77% với 311,7 tỷ đồng, ELC tăng 5,88% với 20,3 tỷ, BMP tăng 2,66% với 20,2 tỷ, PVT tăng 2,54% với 80,4 tỷ, SZC tăng 2,26% với 40,8 tỷ. Nhóm dầu khí vẫn đang khá nổi bật nhờ lực đỡ từ giá dầu. Bên HNX có PVB tăng 3,11%, PVC tăng 3,49%, PVS tăng 2,65%.
Độ rộng nghiêng nhiều về phía giảm giá mới là một biểu hiện đầu tiên của hoạt động chốt lời. Thị trường cần thêm thông tin về biên độ để xác nhận áp lực này lớn đến đâu. Hiện tại lực cầu tương đối kém, chủ yếu chờ mức giá sâu nên nếu lực bán gia tăng dần, biên độ giảm có thể sẽ mở rộng hơn. Do đó chiều nay nếu thanh khoản tiếp tục xuống thấp và mức giảm giá không nhiều hơn thì áp lực chốt lời ngắn hạn là nhẹ.
Khối ngoại ngoại sáng nay vẫn bán ròng 112 tỷ đồng, yếu nhất kể từ đầu tuần và cũng không có mã nào quá nổi bật. VPB bị xả nhiều nhất -22,4 tỷ đồng, VHM -16,9 tỷ, FPT -16,4 tỷ. Phía mua có HPG +16,5 tỷ là đáng kể.