Nhưng tin vui này cũng đặt ra cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và thậm chí cả Chính phủ Mỹ một bài toán không dễ tìm lời giải.
Số liệu trên được tờ Wall Street Journal đưa ra dựa trên dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo định chế có trụ sở ở Washington DC, tỷ trọng của châu Âu trong GDP của thế giới đã giảm 1,4 điểm phần trăm kể từ năm 2018, trong khi tỷ trọng của Nhật Bản giảm 2,1 điểm phần trăm. Trái lại, tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu đã tăng 2,3 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian.
Tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP của thế giới cũng tăng từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, thay vì vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nền kinh tế Trung Quốc lại nhỏ đi trong tương quan so sánh với Mỹ, từ chỗ tương đương 67% quy mô kinh tế Mỹ đến nay chỉ còn 64%. Nói cách khác, bất chấp chiến tranh thương mại, đại dịch, lạm phát và phân cực trong xã hội, Mỹ vẫn gia tăng sức mạnh kinh tế so với phần còn lại thế giới nếu xét theo cách so sánh đơn giản này.
Các số liệu trên được tính theo giá cả và tỷ giá hối đoái hiện thời. Nếu sử dụng phương pháp đồng giá sức mua (PPP) - điều chỉnh theo mức giá cả khác nhau tại các quốc gia khác nhau - tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu sẽ thấp hơn và tỷ trọng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cao hơn nhiều.
HAI LÝ DO GIÚP KINH TẾ MỸ VƯỢT TRỘI
Tuy nhiên, các quốc gia nhập khẩu các mặt hàng như dầu lửa, điện thoại iPhone hay vũ khí quân sự đều không theo đồng giá sức mua. Bởi vậy, cách tính theo giá cả và tỷ giá hối đoái hiện tại phản ánh chuẩn xác hơn sức mạnh kinh tế tương đối của một quốc gia.
Ngoài ra, tỷ giá đồng tiền của một quốc gia là một thước đo sức mạnh kinh tế của nước đó, mà kinh tế Mỹ vẫn vượt trội so với các nền kinh tế khác ngay cả sau khi đã tính đến yếu tố lạm phát và tỷ giá.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thực ở Mỹ nhanh hơn nhiều so với ở Nhật Bản và châu Âu trong 2 năm qua. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn, nhưng có nhiều chuyên gia phương Tây bày tỏ nghi ngờ về các số liệu thống kê mà Bắc Kinh công bố. Theo IMF, tiền lương ở Mỹ sau khi trừ đi lạm phát hiện xấp xỉ mức trước đại dịch, trong khi giảm ở các nền kinh tế phát triển khác.
Về nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ vượt trội, Wall Street Journal cho rằng có một lý do đáng khích lệ và một lý do đáng lo ngại.
Lý do đáng khích lệ là xét về mặt cấu trúc, Mỹ vẫn là một nền kinh tế có mức độ sáng tạo cao và gặt hái thành quả từ sự sáng tạo đó. Điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng vượt bậc của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Mỹ đã làm tốt hơn trong việc tăng năng suất lao động so với các nền kinh tế lớn khác.
Ngoài ra, Mỹ cũng hưởng lợi từ tỷ lệ trao đổi (terms of trade): giá hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, chủ yếu là khí đốt, đã tăng nhanh hơn giá hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu. Đối với châu Âu, câu chuyện diễn ra theo chiều ngược lại.
Lý do đáng lo ngại là sự vượt trội của kinh tế Mỹ một phần đến từ hoạt động vay nợ của Chính phủ nước này, bao gồm chương trình cắt giảm thuế mạnh tay hồi năm 2018 của Tổng thống Donald Trump, chương trình kích cầu trong đại dịch Covid-19 hồi năm 2020, tiếp đó là kế hoạch kích cầu của Tổng thống Joe Biden vào năm 2021.
Trên thực tế, Washington vẫn tiếp tục bơm tiền kích cầu sau đó, dù không nói thẳng là kích cầu. Trong đó, phải kể đến hàng trăm tỷ USD chi cho đãi ngộ cựu binh, đầu tư cho hạ tầng, sản xuất chất bán dẫn và phát triển năng lượng tái tạo.
Từ cuối năm 2022 đến nay, thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ đã cao hơn khoảng 2% GDP so với dự báo của IMF. Trong tương lai gần, mức thâm hụt ngân sách của nước này sẽ lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Trong dài hạn, thâm hụt ngân sách sẽ đẩy cao số tiền lãi nợ công mà Mỹ phải trả và gây hiệu ứng lấn át đối với đầu tư của khu vực tư nhân - tức đầu tư tư nhân suy giảm khi chính phủ tăng chi tiêu. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm hiện tại, thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ có thể đang dẫn tới những mất cân đối nguy hiểm.
Thâm hụt ngân sách là vấn đề có thể được biện minh khi tỷ lệ thất nghiệp cao, nhu cầu của khu vực tư nhân ảm đạm, lạm phát cùng lãi suất ở mức thấp, nhưng ở thời điểm hiện tại, tất cả các yếu tố này đều không tồn tại. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 3,8%, thuộc hàng thấp nhất nhiều thập kỷ, lạm phát chưa giảm về mục tiêu của Fed và lãi suất quỹ liên bang đang cao nhất 23 năm, ở mức 5,25-5,5%.
Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ tiếp tục kích thích nhu cầu trong một nền kinh tế vốn dĩ đã có mức cầu cao. Tính đến hết tháng 2 năm nay, ông Biden đã xóa 138 tỷ USD nợ sinh viên. Ngoài ra, ông đã công bố kế hoạch xóa thêm nhiều tỷ USD nữa loại nợ này.
Việc xóa nợ như vậy giúp làm gia tăng sức mua của những người vay nợ. Trong số 95 tỷ USD tiền viện trợ cho Ukraine, Đài Loan và Israel mà Quốc hội Mỹ thông qua mới đây, 57 tỷ USD sẽ chảy ngược trở lại túi của các nhà sản xuất Mỹ thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí.
LẠM PHÁT MỸ VẪN CAO HƠN MỤC TIÊU
Đó là một lý do vì sao lạm phát của Mỹ, dù đã giảm nhiều so với cách đây một năm, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. IMF cho rằng lạm phát lõi (thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm), của Mỹ đang cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với trường hợp không có chính sách tài khóa nới lỏng như hiện nay.
Điều này khiến Fed gặp khó khăn trong việc khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Kỳ vọng về thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất đã liên tục bị đẩy lùi từ tháng 3 năm nay sang tháng 6 và nay tiếp tục lùi tới tháng 9.
Gần đây, đã có một số chuyên gia dự báo Fed sẽ không hạ lãi suất trước năm 2025, thậm chí có thể phải tăng lãi suất thêm lần nữa. Việc Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, cùng với việc Bộ Tài chính Mỹ ồ ạt phát hành trái phiếu để vay nợ nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, đang đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn lên cao.
Về mặt lý thuyết, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hút dòng vốn từ nước ngoài chảy vào Mỹ và đẩy tỷ giá đồng USD tăng lên. Đây thường là tiền đề của các cuộc khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi, bởi tỷ giá đồng tiền của các nước này sẽ đương đầu với áp lực giảm mạnh so với USD, chính phủ các nước đó dễ rơi vào cảnh vỡ nợ và các nhà băng tại đó bị đẩy tới bờ vực sụp đổ.
Trên thực tế, đồng USD đã tăng giá mạnh trong năm nay. Xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh đến hiện tại chưa làm chao đảo các nền kinh tế mới nổi, một phần bởi các nền kinh tế này hiện đang ở trong trạng thái tốt hơn nhiều so với những lần khủng hoảng trước kia. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, sự leo thang của tỷ giá USD lại gây bất ổn cho nền kinh tế thế giới theo một cách khác, là chủ nghĩa bảo hộ.
Vào năm 1971, lạm phát cao và thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ đã khiến đồng USD bị định giá cao quá mức so với giá trị thực và thâm hụt thương mại của Mỹ tăng vọt. Sau khi chính quyền Tổng thống Nixon áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, Tây Đức và Nhật Bản đã nhất trí định giá lại đồng tiền của mỗi nước so với đồng USD.
Câu chuyện đã lặp lại vào năm 1985. Lãi suất cao và thâm hụt ngân sách lớn ở Mỹ đẩy tỷ giá đồng USD và thâm hụt thương mại của nước này lên cao. Tại khách sạn Plaza ở New York vào tháng 9 năm đó, chính quyền Tổng thống Reagan thuyết phục các quan chức Nhật Bản và châu Âu tăng tỷ giá đồng tiền của họ so với đồng USD. Tiếp đó, Mỹ có hành động thương mại nhằm vào Nhật Bản, đặc biệt là các mặt hàng ô tô và chất bán dẫn.
Tỷ giá đồng USD hiện nay chưa tăng nhiều như hồi năm 1985, nhưng những mâu thuẫn tương tự đang xuất hiện. Chính quyền Tổng thống Biden đang rất muốn thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ, nhất là sản xuất ô tô điện, bức xúc khi chứng kiến Trung Quốc - với sự hậu thuẫn của đồng Nhân dân tệ yếu - đang xuất khẩu ồ ạt hàng hóa giá rẻ ra thế giới. Sau khi giảm trong phần lớn thời gian của năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ lại đang tăng.
Giải pháp kinh tế vĩ mô cho vấn đề trên là Mỹ kích thích nền kinh tế ít đi và Trung Quốc kích thích nền kinh tế nhiều hơn. Nhưng cả hai điều này đều khó trở thành hiện thực ở thời điểm hiện tại. Không giống như hồi năm 1971 và năm 1985, khi Tây Đức và Nhật Bản cảm thấy phải tăng tỷ giá đồng tiền của mình để xoa dịu Mỹ (với tư cách là đồng minh và người bảo trợ), Trung Quốc hiện tại không thấy có lý do gì để tăng giá đồng Nhân dân tệ.
Hệ quả gần như chắc chắn sẽ là sức ép bảo hộ gia tăng. Ông Biden hiện đang chuẩn bị áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Còn nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, sẽ khó có chuyện ông tìm cách giảm thâm hụt ngân sách; Nếu thói quen trong nhiệm kỳ đầu của vị cựu Tổng thống này duy trì, ông sẽ áp thêm thuế quan và nỗ lực làm suy yếu đồng USD.