December 07, 2024 | 08:29 GMT+7

Tác giả “Chip war” dự báo tương lai ngành bán dẫn dưới thời Donald Trump 

Bạch Dương -

Không phải quốc gia đầu tiên thực hiện chính sách trợ cấp cho các công ty bán dẫn nhưng khi Tổng thống Donald Trump đắc cử lần 1, Mỹ mới chính thức khởi xướng các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và đẩy mạnh cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc…

Những lỗ hổng trong chính sách hạn chế Trung Quốc được tác giả cuốn sách Chip War cho rằng sẽ được "vá kín" dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Những lỗ hổng trong chính sách hạn chế Trung Quốc được tác giả cuốn sách Chip War cho rằng sẽ được "vá kín" dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chính quyền tiếp theo của Mỹ dưới sự cầm quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục mở rộng các chính sách liên quan để bảo vệ vị thế của Mỹ trong ngành công nghiệp này, bao gồm thuế quan, trợ cấp và kiểm soát xuất khẩu. Và bây giờ, ông Donald Trump sắp trở lại chính trường, đúng thời điểm trí tuệ nhân tạo bùng nổ và cuộc chiến chip đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Điều này dự báo sẽ tạo ra một số xáo trộn với cục diện hiện nay. 

Nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã từng thúc đẩy một cuộc tái cấu trúc chuỗi cung ứng táo bạo, chuyển dịch chuỗi lắp ráp thiết bị điện tử của Mỹ từ Trung Quốc sang Mexico và Đông Nam Á.

Do đó, theo tác giá cuốn sách “Chip War” Chris Miller, nhiều khả năng mức thuế áp đặt đối với hàng hoá Trung Quốc bây giờ sẽ còn tăng. Cũng cần lưu ý rằng một số quốc gia Đông Nam Á có kim ngạch xuất khẩu thiết bị điện tử cao, thặng dư thương mại với Mỹ cũng đang nằm trong tầm ngắm.

MỸ CÂN NHẮC ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH “THUẾ QUAN LINH KIỆN” 

Theo nhiều nguồn tin, Mỹ đang cân nhắc áp dụng “thuế quan linh kiện”— tức là đánh thuế nhập khẩu không dựa trên địa điểm lắp ráp cuối cùng mà dựa trên các linh kiện bên trong. Nếu chuyển sang thuế quan dựa trên linh kiện, các con chip sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị đánh thuế, bất kể thiết bị được lắp ráp ở đâu. Điều này có nghĩa một thiết bị lắp ráp tại bất kỳ đâu nhưng có sử dụng linh kiện của Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế quan cao hơn nếu xuất khẩu sang Mỹ. 

Kiểm soát xuất khẩu đối với chip AI và công cụ sản xuất chip của các công ty Mỹ đối với Trung Quốc cũng là một chính sách do ông Donald Trump khởi xướng, sau đó được chính quyền ông Joe Biden mở rộng.

Ông Donald Trump cũng là người đầu tiên thể hiện quyết tâm hạn chế Huawei, đặt nền móng cho các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt sau đó. Tiếp nối, Tổng thống Joe Biden đã siết chặt chính sách, cắt giảm xuất khẩu hơn một trăm công ty Trung Quốc được cho là liên kết với Huawei.

Chính quyền Mỹ, dưới thời ông Donald Trump, cũng từng hợp tác với Chính phủ Hà Lan để ngăn việc bán máy in thạch bản tiên tiến cho Trung Quốc, và Tổng thống Joe Biden đã mở rộng thêm những hạn chế này.  

Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát hiện hành, vậy có khả năng chính quyền mới dưới thời tân Tổng thống Donald Trump sẽ một lần nữa “vá kín” các lỗ hổng để ngăn cản sự tiếp cận của Trung Quốc với những công nghệ mới.

Trong khi nhiều đồng minh của Mỹ có thể phàn nàn, nhưng một số quốc gia cũng âm thầm tán thành các biện pháp ép buộc này, vì nó giúp họ tránh phải đưa ra quyết định trong bối cảnh cạnh tranh và mối đe dọa trả đũa từ Trung Quốc.

Ông Chris Miller dự báo dù liên minh hạn chế chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vẫn còn nhiều bất cập, song sẽ gắn kết chặt chẽ hơn trong thời gian tới. 

CÒN SẢN XUẤT CỦA MỸ THÌ SAO?

Sự ra đi gần đây của Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger nhấn mạnh những khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt dù là công ty giữ vị thế trung tâm trong chiến lược chip của Joe Biden, nhận hỗ trợ hàng tỷ USD tiền tài trợ theo Đạo luật Chips 2022.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã tuyên bố rằng, thay vì trợ cấp cho các công ty chip, chính sách thuế quan có thể hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nếu áp thuế đối với các đối tác như Đài Loan – nơi xuất khẩu chip sang Mỹ tăng mạnh nhờ Nvidia – thì chính sách này có thể gây tổn hại cho Thung lũng Silicon.

Đáng chú ý, khoản đầu tư vào nhà máy tại Arizona của TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan, đã được công bố từ thời cầm quyền trước đây của ông Donald Trump. Thế nên, không khó để dự đoán vòng đầu tư mới để củng cố an ninh chuỗi cung ứng sẽ diễn ra. 

Sự bất ổn lớn nhất đang bao trùm ngành công nghiệp chip là tương lai của nhu cầu AI. Các công ty như Nvidia và TSMC đang hưởng lợi mạnh mẽ từ các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu AI. Các cố vấn của ông Donald Trump tuyên bố họ muốn đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm dữ liệu bằng cách đơn giản hóa thủ tục cấp phép và khuyến khích sản xuất năng lượng. 

Một điều đáng chú ý nữa là sự hiện diện của Elon Musk trong nhóm thân cận của ông Donald Trump – với công ty xAI của ông điều hành một trong những cụm chip AI lớn nhất thế giới - cho thấy AI sẽ trở thành trọng tâm chiến lược. Mỹ đang xôn xao với những ý tưởng đẩy nhanh phát triển AI, từ việc phân vùng đất để xây dựng trung tâm dữ liệu cho đến việc thành lập "Dự án Manhattan" cho AI.

 

Dự án Manhattan là tên mã của một chương trình nghiên cứu và phát triển tối mật do Hoa Kỳ tiến hành trong Thế chiến II, với mục tiêu chế tạo bom nguyên tử. Với ngân sách khổng lồ và mức độ bí mật cao, nó trở thành một trong những dự án khoa học lớn nhất trong lịch sử, đặt nền móng cho kỷ nguyên hạt nhân. Ngày nay, cụm từ "Dự án Manhattan" thường được sử dụng như một phép ẩn dụ, chỉ các chương trình khoa học hoặc công nghệ quy mô lớn, đột phá và đòi hỏi nguồn lực đáng kể. 

Xem Dự án Manhattan
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate