October 13, 2021 | 06:00 GMT+7

Tái hiện đời sống chăn nuôi vùng cao qua góc nhìn của nghệ sĩ và nông dân

Chu Khôi -

Hơn 120 tác phẩm nghệ thuật và ảnh về chủ đề chăn nuôi được trưng bày tại triển lãm trực tuyến: “Chăn nuôi Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn của nông dân” và một triển lãm tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây là một trong những triển lãm đầu tiên về chăn nuôi tại Việt Nam...

Bức ảnh của Hà Văn Chung (người dân tộc Thái) tại triển lãm (người trong ảnh là Lèo Thị Xiền.
Bức ảnh của Hà Văn Chung (người dân tộc Thái) tại triển lãm (người trong ảnh là Lèo Thị Xiền.

Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và dự án Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc (Dự án Li-chăn) phối hợp tổ chức, khai mạc vào ngày 12/10/2021.

Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước và những người chăn nuôi quy mô nông hộ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi và đại dịch Covid-19.

NHỮNG GÓC NHÌN KHÁC NHAU VỀ CHĂN NUÔI

Ngành chăn nuôi đóng góp 30% giá trị kinh tế vào ngành nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong việc tạo sinh kế cho các nông hộ nhỏ, và tăng thu nhập cho nông dân, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện chế độ dinh dưỡng.

Triển lãm trực tuyến về chủ đề “Chăn nuôi Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn của nông dân”, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của ngành chăn nuôi nước nhà trong việc cải thiện sinh kế và hỗ trợ các nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong việc hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

 
Triển lãm mong muốn mang đến cho công chúng những góc nhìn đa chiều về chăn nuôi và vật nuôi, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của chăn nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững".
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm gồm ba phần.

Phần thứ nhất, "Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật", giới thiệu tới công chúng 52 tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng về chất liệu và chủ đề, liên quan đến những hoạt động nông nghiệp chăn nuôi, hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đây cũng là 52 hiện vật lựa chọn từ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gồm tranh dân gian và tranh, tượng hiện đại.

Phần thứ hai giới thiệu "Chăn nuôi dưới góc nhìn của công chúng". Đây là những bức tranh đoạt giải trong cuộc thi vẽ và chụp ảnh về đề tài chăn nuôi dành cho các đối tượng nghiệp dư trên toàn quốc do Ban tổ chức phát động vào giữa tháng 9/2021.

Phần thứ ba, "Chăn nuôi dưới góc nhìn của nông dân", là những câu chuyện kể qua ảnh, do chính những nông dân tham gia dự án Li-chăn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thực hiện.

Đó là những câu chuyện người thực việc thực trong công tác phát triển chăn nuôi tại miền quê nghèo khó, từ khâu chọn giống, chăm sóc đàn vật nuôi, trồng cây thức ăn chăn nuôi, đến xử lý chất thải trong chăn nuôi bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu lợn bản.

NHỮNG CÂU CHUYỆN ẢNH CỦA NGƯỜI TÂY BẮC

Bà Sabine Douxchamps, điều phối dự án Li-chăn và trưởng đại diện của Liên minh Bioversity-CIAT, cho hay đây là một trong những triển lãm đầu tiên về chăn nuôi tại Việt Nam.

Các bức ảnh tại triển lãm không chỉ hàm chứa thông tin về chăn nuôi vùng Tây Bắc, mà còn phác họa những nét đặc trưng văn hóa của người Thái và người Hmong tham gia vào dự án Li-chăn là những động lực chính trong các quyết định mà họ đưa ra trong phát triển chăn nuôi.

 “Triển lãm tạo ra một diễn đàn giữa nghệ sĩ, nông dân và công chúng để chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm và góc nhìn khác nhau về ngành chăn nuôi và cách thức ngành chăn nuôi có thể giúp cải thiện sinh kế của người dân, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp”, bà  Sabine Douxchamps nhấn mạnh.

Sử dụng phương pháp photovoice (câu chuyện ảnh), người nông dân đưa ra quan điểm của mình về vai trò của chăn nuôi trong cuộc sống và tầm quan trọng của việc chọn giống, chăm sóc sức khỏe vật nuôi, trồng cây thức ăn chăn nuôi, chế biến thức ăn, ủ chất thải chăn nuôi giúp cải thiện môi trường và thành lập các nhóm sở thích chăn nuôi.

 
Những nông dân tham gia dự án Li-chăn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ 68 câu chuyện và bức ảnh, thể hiện suy nghĩ, nhìn nhận của họ về phát triển chăn nuôi.

Anh Sồng A Chứ, một nông dân H’Mông, kể về bức ảnh của mình: "Lúc đấy bà bị ốm, mình đón thầy mo về cúng cho bà và nhà được bình yên, mạnh khỏe. Khi mình để quả trứng trên miệng cái bát con để nghiêng, nó không đổ thì là thầy mo đó sẽ chữa khỏi. Thầy mo trong bản không để được trứng nên phải đi đón thầy ở tận Chiềng Nơi."

“Bà bị ốm là do những người đã mất bị thiếu ăn, hồn của họ về đòi nên mình cúng con lợn để họ đủ no rồi không đòi nữa. Hai ba hôm sau thấy bà khỏe lên thật. Con lợn thì cả nhà cùng ăn, thầy mo được phần đầu và một phần chân giò cho thầy về cúng ở nhà.”, Sồng A Chử chia sẻ.

Tác phẩm Xay ngô của nông dân Lường Thị Thu
Tác phẩm Xay ngô của nông dân Lường Thị Thu

Chỉ vào bức ảnh của mình, chị Lường Thị Thu –  người dân tộc Thái, 37 tuổi, cho hay: “Đây là máy xay ngô, giờ ít người dùng, toàn dùng máy xát. Trên Buôm Khoang không có điện nên họ vẫn dùng cối xay này để xay ngô cho trâu, bò, lợn, gà. Lợn thì có hộ nấu bột ngô với rau, thân cây chuối. Bột ngô ủ với cỏ, thân cây chuối cho cả lợn, ngan, gà ăn, hoặc đổ thẳng cho ăn cũng được”.

Kể về bức ảnh chụp một nhóm hộ sở thích chăn nuôi ở Chiềng Chung, anh Hà Văn Kim, dân tộc Thái, 31 tuổi thông tin: “Hôm đấy lúc nghỉ ăn trưa tranh thủ họp nhóm đồng sở thích chăn nuôi. Do được đi tập huấn về, và nhận thấy lợi ích mà nhóm chăn nuôi cùng sở thích mang lại như là cùng đầu vào, đầu ra, liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ và cùng áp dụng an ninh sinh học trong chăn nuôi, mình nói lại cho bà con trong bản”.

Theo anh Kim, trong cuối năm nay, sẽ thành lập nhóm đồng sở thích chăn nuôi. Trong bản đã có 11 hộ muốn tham gia, hai hộ còn đang băn khoăn. Hiện tại cũng đang phân vân, đang có mô hình nuôi lợn và nuôi bò vỗ béo, chắc nhóm sẽ làm mô hình nuôi bò vỗ béo trước.

Triển lãm trực tuyến sẽ mở cho công chúng theo dõi lâu dài, và triển lãm tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sẽ mở cho công chúng trên địa bàn huyện và tỉnh từ 12/10 đến 12/11/2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate