Ngày 27/3, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông tin về công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, và Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết so với năm 2022, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị tai nạn lao động nặng.
Trong đó, tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ (662 vụ, giảm 58 vụ), số người chết giảm 7,29%; giảm 4,2% số vụ tai nạn, và số người bị tai nạn lao động cũng giảm 4,7%.
Tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Cụ thể, số vụ có người chết giảm 11,44%, số người chết giảm 10,92%.
Tuy nhiên, tai nạn trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng tăng nhẹ sau 4 năm giảm liên tiếp. Khu vực này trong năm qua ghi nhạn 59 vụ tai nạn chết người làm 169 người chết.
Năm 2023, bảo hiểm giải quyết mới cho 7.326 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động. Trong đó có 2.190 trường hợp hàng háng, và 5.136 trường hợp một lần.
Theo đánh giá, tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Trong năm vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết.
Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng, và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng, về số vụ, số người bị nạn.
Về bệnh nghề nghiệp, năm 2023 khám, phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp cùng năm là 600 người.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động...
Dự báo với bối cảnh những khó khăn, những thách thức, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu.
Điều này, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở, trong bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động, đặc biệt tuyên truyền tới các hộ sản xuất, trang trại, ngư dân.
Đồng thời, cần chú trọng công tác an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro.
Về phía người lao động cũng cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, tại nơi làm việc, trong doanh nghiệp, hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục được rà soát, cải thiện, đặc biệt để tăng tỷ lệ số người được giám định bệnh nghề nghiệp.
Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5-31/5) năm nay sẽ được chính thức phát động vào ngày 26/4/2022, cùng với Tháng Công nhân.
Chủ đề Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra nhiều hoạt động ở trung ương, địa phương như: Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; đối thoại của Hội đồng Quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động; thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động...