February 11, 2010 | 23:54 GMT+7

Tản mạn từ một “dòng chảy”

TS. Nguyễn Đức Kiên

Thử so sánh vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên với quá trình triển khai dự án "Dòng chảy phương Bắc"

Một đoạn đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án "Dòng chảy phương Bắc" chạy qua hải phận của Nga.
Một đoạn đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án "Dòng chảy phương Bắc" chạy qua hải phận của Nga.
Luồng gió xoáy tạo ra trên mặt sân ga do đoàn tàu chở hàng chạy qua với tốc độ gần 200 km/h, làm gián đoạn câu chuyện của tôi với GS.TS Miechel von Haff của trường Đại học Tổng hợp Kaiserlauter về tình hình kinh tế thế giới và nước Đức năm 2009.

Cả hai chúng tôi đều nhìn theo các toa tàu chở những ống thép với đường kính lớn đang chạy lên hướng Bắc của nước Đức.  

Từ lâu đã biết Đức là cường quốc xuất khẩu trên thế giới, tôi buột miệng bình luận: “Nước Đức các anh quả là đáng khâm phục, giữa bối cảnh suy giảm kinh tế mà vẫn xuất khẩu nhiều mặt hàng số lượng lớn như vậy”. Mỉm cười vì sự ngộ nhận của tôi, anh bạn giải thích đó là vật tư phục vụ trong nước, cụ thể là cho tuyến vận chuyển khí của dự án “Dòng chảy phương Bắc”.

Ngày hôm sau, với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, những nét chính của dự án này đã dần hiện ra rõ nét trong tôi.

Tuyến ống dẫn gas “Dòng chảy phương Bắc” chạy qua biển Baltic, có điểm xuất phát từ Wyborg (Liên bang Nga) dài 1.223 km và điểm cuối là Tây Nam thành phố Lubmin - cảng Greifswald. Tuyến gồm hai đường ống đường kính 1,15 m chạy song song và có khả năng chuyển 55 tỷ m3 gas, đáp ứng hơn 50% nhu cầu sử dụng gas năm 2007 của Đức (cả năm 2007, nước Đức dùng 99 tỷ m3).  
 
Để thi công tuyến cần 200.000 ống dẫn với tổng trọng lượng tới 4,6 triệu tấn. Các ống dẫn được chế tạo ở vùng miền Trung nước Đức và vận chuyển bằng đường sắt tới cảng Greifswald. Ở đây chúng được bọc bê tông dày tới 12 cm và chuyển lên tàu biển để tới vị trí đặt dưới đáy biển. Sau khi được bọc bằng bê tông đặc biệt (có trộn magnetit chống ăn mòn) trọng lượng một ống đã lên tới 23 tấn. Trọng lượng này sẽ giúp cho tuyến ống ổn định hơn khi đặt dưới đáy biển. Nếu điều kiện thời tiết cho phép một ngày có thể đặt được tới 3 km ống.

Điều khá thú vị là để thực hiện được dự án này, một công ty cổ phần do cựu Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Gerhard Schroder làm chủ tịch đã được thành lập với sự tham gia của Gazprom (Liên bang Nga) - 51%; E.ON Ruhrgas (Đức) - 20%; BASF - 20% và Gasunic (Hà Lan) - 9%. Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến tới 7,4 tỷ Euro.  

Đây là dự án được bạn đọc châu Âu gọi vui là dự án "Putin-Schroder" (vì ý tưởng được hình thành khi ông Schroder làm Thủ tướng Đức và ông Putin làm Tổng thống Nga). Sau khi thôi giữ cương vị Thủ tướng, ông Schroder đã toàn tâm, toàn ý thực hiện ý tưởng này với cương vị là chủ tịch công ty cổ phần.

Trong 4 năm qua, công ty của ông đã phải thực hiện rất nhiều công việc để chuẩn bị cho việc khởi công. Trước hết là tiến hành khảo sát thiết kế tuyến ống, thiết kế kỹ thuật chi tiết, lập đánh giá tác động môi trường gửi cho các nước trong vùng biển Baltic để được cấp giấy phép xây dựng. Đến những tháng cuối năm 2009 này (công việc đã cơ bản hoàn thành và) công ty đã nhận được giấy phép để 2010 có thể khởi động công việc đặt ống dưới biển .

Song song với quá trình khởi động dự án, công ty đã phối hợp các doanh nghiệp trong nước Đức xây dựng một cụm công nghiệp và dịch vụ trên bờ tại khu vực Greifswald. Như, mở rộng cảng cũ thành logistic, xây dựng khu tập kết có sức chứa 45.000 ống, khu vực nhà máy bọc bê tông và các dịch vụ khác phục vụ thi công. Công ty cũng thoả thuận với ngành đường sắt Đức cải tạo xây dựng đoạn đường sắt cũ nối với cảng.

Đặc biệt, công ty còn phải tiến hành một chiến dịch vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng để giải toả những chỉ trích, phê phán, thậm chí phản đối trên cả thế giới.

Những số liệu, tư liệu và cách triển khai dự án của nước bạn cứ như một dòng chảy bất tận trên Internet và rất nhiều báo điện tử, khiến tôi bất chợt có những liên tưởng đến Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, đặc biệt là hai năm 2008 - 2009, chúng ta đã triển khai nhiều công trình đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng một số vấn đề trong tổ chức thực hiện đã tạo ra những xôn xao không cần thiết.

Vừa qua, dư luận xã hội đã rộ lên (tập trung đăng ở một số báo) về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Nếu thử đem ra so sánh với quá trình triển khai dự án "Dòng chảy phương Bắc" thì có thể rút ra một số sự tương đồng và khác biệt.

Về sự tương đồng, đây đều là những dự án có vốn đầu tư lớn, có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, được sự quan tâm của Chính phủ...  

Sự khác biệt thể hiện đầu tiên ở sự lựa chọn người lãnh đạo dự án phải đủ tầm nhìn chiến lược. "Dòng chảy phương Bắc" là cựu Thủ tướng, ở dự án bauxite là người chưa từng lãnh đạo một bộ.

Tất nhiên, sẽ có người phản bác là có sự chỉ đạo của Chính phủ. Rất đúng, nhưng người được giao đứng đầu dự án khai thác bauxite đã hoạt động lâu năm trong doanh nghiệp, sẽ khó có cái nhìn toàn diện về kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Điều này thể hiện rõ trong việc tranh thủ sự đồng tình của dư luận thông qua tiếp xúc và cung cấp thông tin cho báo giới. "Dòng chảy phương Bắc" ngày càng thu hẹp tiến tới sự đồng thuận trong xây dựng, còn dự án bauxite của ta chưa làm được việc này.

Thứ hai là tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế với một kế hoạch tổng thể. Dự án "Dòng chảy phương Bắc" đầu tư cơ sở hạ tầng trước, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trọng nước, kéo theo nhiều ngành khác phát triển như: vận tải đường sắt, đường biển, logistic, cảng, công nghiệp thép...

Dự án bauxite lại tập trung khai thác mỏ ngay, còn các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ khác chưa được đề cập thuyết phục. Đến thời điểm này, tạo được bao nhiêu việc làm, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm đường bộ hay đường sắt vẫn chưa có những số liệu đủ sức thuyết phục, chưa có dự án nào trong lĩnh vực này được triển khai.

Chỉ  riêng hai khác biệt vừa nêu cũng đặt ra nhiều câu hỏi cần phải giải đáp. Phải chăng cần có cách tiếp cận mới trong việc triển khai các dự án trọng điểm ở nước ta?! Có thể đặt dự án trong mối quan hệ hữu cơ của phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo cân bằng sinh thái, theo mô hình tam giác phát triển bền vững được không?

Nếu vậy, vai trò của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất sẽ chỉ quan tâm đến dự án khi các doanh nghiệp chứng minh được dự án là điểm trung hòa của của cả 3 cạnh của tam giác phát triển. Chính phủ có thể chọn mô hình tam giác đều của cả 3 yếu tố hay mô hình tam giác cân với đỉnh là phát triển kinh tế và đáy là 2 đỉnh xã hội và sinh thái...  

Theo mô hình này, khi đầu tư khai thác bauxite, Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu của Tập đoàn Than và Khoáng sản, tức là nhà doanh nghiệp, phải đầu tư luôn phương thức vận chuyển là đường sắt. Như vậy,sẽ tạo ra được nhiều việc làm để phục vụ yêu cầu xây dựng, vận hành và duy tu đường sắt, tạo điều kiện phát triển du lịch, giảm chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp hiện có.  

Tất nhiên khi tính vào giá thành 1 tấn nhôm xuất khẩu giá sẽ cao, lãi sẽ ít thậm chí là hoà vốn. Nhưng thế mới đúng với nhiệm vụ của doanh nghiệp Nhà nước là khai phá, đi trước mở đường tạo sức hút đầu tư của xã hội phục vụ phát triển kinh tế, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội.  

Và như  thế, bài toán hiệu quả sử dụng vốn và  tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước sẽ được đánh giá ở góc độ tổng quan hơn, khi đó lãi chưa phải là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp Nhà nước. Đảm bảo sinh thái bền vững ở đây thể hiện ở diện tích chiếm rừng đầu nguồn của đường sắt chỉ bằng 30% của đường bộ (nếu tính trên 1 đơn vị vận tải là tấn/km) hoặc là độ ồn nhỏ hơn hoặc là lượng khí thải (CO2) ít hơn…

Đặt dự án trong mối liên hệ mô hình ba cạnh là ba yêu cầu của phát triển bền vững như vậy sẽ giúp cho người ra quyết định chính xác hơn, giúp cho xã hội mà trước hết là các phương tiện thông tin đại chúng dễ tiếp cận, còn người dân dễ đánh giá tác động của dự án đến đời sống của mình hơn.

Trong bối cảnh đó, cả người dân, cả người ra quyết  định đều đòi hỏi những người làm báo phải đưa thông tin nhiều chiều hơn, nhiều góc nhìn về một sự việc hơn để các chủ thể thông tin này thực hiện quyền giám sát và quyền tự điều chỉnh nhằm tạo đồng thuận để cùng phát triển.

Phải chăng đây mới là mục tiêu lớn nhất cần đạt tới, không chỉ riêng ở dự án hay công việc cụ thể nào, nhằm vươn tới sự phát triển bền vững theo mô hình tam giác phát triển: kinh tế - xã hội – sinh thái như đã đề cập?

Và phải chăng như thế là một bài học rút ra trong thực hiện dân chủ theo lời Bác dạy của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ” đang diễn ra hiện nay?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate