Mức tăng không đáng kể
Theo thống kê của EVN, từ năm 2009 đến nay, giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, với mức tăng trung bình 7,3%/năm. Trong đó, giá điện giữ nguyên trong 4 năm liên tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tình hình kinh tế khó khăn và đại dịch Covid-19.
EVN ước tính, sản lượng điện thương phẩm cả nước năm 2023 tăng 5,4% so với cùng kỳ, đạt 283 tỷ kWh. Với khoảng lỗ hơn 28.000 tỷ đồng trong năm 2022, mức lỗ bình quân 180 đồng/kWh trên mức giá bán lẻ điện bình quân.
Với mức giá bán lẻ bình quân hiện tại là 1.920,37 đồng/kWh, giá điện tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Trung Quốc (2.780 đồng/kWh), Thái Lan (3.273 đồng/kWh), Đức (4.278 đồng/kWh), Mỹ (6.810 đồng/kWh).
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) từng chia sẻ, nếu giá điện tăng 8% sẽ khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho CPI tăng 0,4-0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp). Với mức tăng giá điện là 3% thì GDP có thể giảm khoảng 0,14% và CPI tăng 0,17%.
Theo bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), tác động của giá điện tăng 3% tới hoạt động của doanh nghiệp là có, song không thực sự lớn. Doanh nghiệp có thể thực hiện bù đắp bằng việc tăng năng suất lao động và giảm thiểu những chi phí sản xuất khác.
"Với mức tăng giá 3% cũng chưa phải là nhiều để bù đắp được con số lỗ lớn của ngành điện. Doanh nghiệp, người dân phải tăng thêm chi phí nhưng vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia chúng ta nên cố gắng đồng hành cùng với ngành điện”, bà Ngân nói.
Đối với lĩnh vực ô tô, xe máy điện, ảnh hưởng của việc tăng giá điện lần này cũng không đáng kể. Theo đó, VinFast vẫn áp dụng đơn giá sạc từ 3.117,4 đồng/kWh, tương ứng đơn giá điện bậc 5, không tính thêm chi phí phụ; đơn giá sạc quá giờ (kể từ phút thứ 31 sau khi pin đầy mà khách hàng vẫn chiếm chỗ của trạm sạc) là 1.000 đồng/phút. Tại Thái Lan, tùy vào trạm sạc, đơn giá sạc giờ cao điểm là 7,5 Baht/kWh (5.250 đồng/kWh), giờ thấp điểm là 4,5 Baht/kWh (3.150 đồng/kWh).
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô - Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc tăng giá điện 3% không ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua và sử dụng xe điện của người tiêu dùng. Bởi lẽ, giá điện ít biến động hơn nếu so sánh với giá xăng, dầu.
“Mức tăng 3% có thể không tác động ngay đến giá thành sản phẩm ở thời điểm hiện tại nhưng sẽ là động lực để các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn. Trên thực tế, giá điện tại Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới nên lâu nay hiệu suất sử dụng năng lượng tại nhiều doanh nghiệp Việt không cao”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ thêm.
Nâng cao ý thức tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả trong doanh nghiệp
Mirae Asset nhận định, chỉ có một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực như: xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy. Đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy, mức độ ảnh hưởng khác nhau, tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp và hàm lượng công nghệ trong dây chuyền sản xuất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phong, CEO Công ty TNHH dụng cụ An Mi (An Mi Tools) chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi có hàm lượng công nghệ cao, tập trung vào 4 lĩnh vực riêng biệt là chế tạo dụng cụ cắt; chế tạo chi tiết cơ khí chính xác; dịch vụ phủ PVD; tự động hóa và chế tạo máy. Hệ thống máy CNC nhập khẩu từ Đức và Nhật Bản có độ chính xác cao và tiết kiệm điện; do đó không chịu nhiều tác động từ việc tăng giá điện lần này”.
Cũng theo đại diện An Mi Tools, hiện tại, nhà máy của công ty đã được lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên 40% diện tích mái và đang tiếp tục mở rộng lên 100% diện tích mái ngay trong tháng 5 này.
Mặc dù vậy, tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ cao tại Việt Nam vẫn ở mức rất thấp. Thống kê cho thấy, gần 85% doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Các thiết bị cũ thường sẽ tiêu tốn một lượng điện năng lớn để tải nên khi sử dụng sẽ tiêu tốn nhiều điện năng. Bên cạnh đó, một số máy móc, thiết bị cũ, lâu đời còn có thể rò rỉ điện và gây nguy cơ cháy nổ. Đây là thách thức với kinh tế Việt Nam trong nỗ lưc hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Do đó, về lâu dài, các doanh nghiệp vẫn cần nguồn vốn lớn để đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa góp phần thể hiện sự đồng hành với Chính phủ trong nỗ lực tăng trưởng xanh, bền vững. Điều này cũng sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt và hạn chế tác động tiêu cực khi giá điện tăng cao và kéo dài.
“Tương tự như các nhà sản xuất lớn trên thế giới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng sẽ phải tiến tới áp dụng các quy chuẩn hiện đại trong dây chuyền sản xuất linh kiện, phụ tùng. Đó là xu hướng tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tồn tại trên thương trường, mà việc tăng giá điện chỉ là xúc tác nhỏ giúp đẩy tiến trình đó nhanh hơn mà thôi”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc nói.
Cũng theo các chuyên gia này, việc thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của mỗi người lao động, của từng phân xưởng sản xuất là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí hoạt động của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự đồng hành với Nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng.