Ba năm trước, mọi thứ dường như đều ổn với Blake Xu. Doanh nhân 33 tuổi này và gia đình đã gom được một danh mục bất động sản trong giai đoạn bùng nổ của thị trường. Vợ Xu khi đó chuẩn bị sinh con đầu lòng, Xu vừa bán một căn hộ và đầu tư gần một nửa số tiền vào chứng khoán.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, thị trường bất động sản Trung Quốc bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài, chỉ số chứng khoán CSI 300 cũng mất hơn 30% giá trị, trong khi nền kinh tế ngày càng trở nên dễ tổn thương với một loạt vấn đề như niềm tin của người tiêu dùng đi xuống, đầu tư tư nhân yếu, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao…
Hiện Xu đã rút gần như toàn bộ tiền khỏi chứng khoán và tính tới việc di cư ra nước ngoài. “Tôi không biết tương lai sẽ đi về đâu”, Xu, hiện sống ở Thượng Hải chia sẻ. “Khi con lớn hơn một chút, chúng tôi dự định đưa con ra nước ngoài và có thể chúng tôi cũng đi theo”.
Theo tờ báo Wall Street Journal, trên thực tế, hầu hết thế hệ người trung lưu mới ở Trung Quốc thời gian qua hưởng lợi từ nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ. Tuy nhiên, khủng hoảng bất động sản, thị trường chứng khoán lao dốc và tăng trưởng kinh tế suy giảm đang đặt ra một câu hỏi với tầng lớp trung lưu Trung Quốc: Những năm bùng nổ của nền kinh tế nước nhà đã vĩnh viễn qua đi?
Người dân Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn và tránh xa các kênh đầu tư rủi ro. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), tính tới tháng 2/2024, tiền tiết kiệm của hộ gia đình nước này lên tới 19,83 nghìn tỷ USD – một con số cao kỷ lục. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng đang ở gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Sự lo lắng ngày càng gia tăng trong giới trí thức và dân thành thị có thể là một vấn đề lớn với Bắc Kinh. Nhiều năm qua nền kinh tế Trung Quốc trải qua tăng trưởng bùng nổ với vai trò điều tiết quan trọng của Chính phủ. Tuy nhiên, thời hoàng kim dường như đã qua.
TÌM KIẾM LỐI THOÁT
Hugo Chen, 30 tuổi, sinh ra trong giai đoạn đầu chuyển đổi kinh tế ấn tượng của Trung Quốc, khi nước này mở cửa với thế giới. Lớn lên ở thành phố Thẩm Quyến giàu có, Chen lấy bằng thạc sĩ ở Anh. Năm 2017, anh trở về Trung Quốc và làm việc trong lĩnh vực tài chính. Giống như nhiều người trí thức khác, Chen tham gia đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và một số sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, năm ngoái, thanh niên 30 tuổi quyết định dừng đầu tư chứng khoán. Từng là quản lý đầu tư tại một công ty bảo hiểm và có kiến thức về đầu tư, Chen nhận định Trung Quốc dường như không còn là một nơi lý tưởng để đầu tư nữa.
Vào cuối năm 2023, chỉ số CSI 300 ghi nhận năm giảm thứ ba liên tiếp. Điều này ngược lại hoàn toàn với xu hướng tăng mạnh tại thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật Bản và một số nơi khác. Theo các nhà phân tích, thế kỷ 21 lẽ ra phải là thế kỷ của Trung Quốc nhưng thực tế nền kinh tế và thị trường chứng khoán nước này đang thất thế trước các quốc gia khác.
“Trở nên nghèo đi là một chuyện. Nghèo đi khi những nước khác giàu lên là chuyện đáng lo hơn”, Chen nói và cho biết đã chuyển phần lớn tiền của mình vào các quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ.
Trung Quốc hiện có hơn 220 triệu nhà đầu tư cá nhân, đồng nghĩa rằng động thái trên thị trường của nhóm này có thể tác động lớn tới tâm lý chung. Nhóm này từng nổi tiếng với việc đầu tư như “những con bạc”. Nhưng sau khi thị trường lao dốc những năm qua, họ bắt đầu rút tiền và chuyển sang đầu tư vào các tài sản an toàn hơn như quỹ thị trường tiền tệ.
Bên cạnh chứng khoán, thị trường bất động sản thậm chí làm xói mòn niềm tin của giới trung lưu mạnh mẽ hơn. Nỗ lực kiềm chế tình trạng nặng nợ trong lĩnh vực bất động sản khoảng 3 năm trước của Chính phủ Trung Quốc đã đẩy toàn ngành này rơi vào khủng hoảng, khiến nhiều công ty đứng trên bờ vực sụp đổ. Từng là một trong những động lực chính của nền kinh tế, ngành bất động sản Trung Quốc giờ đây chứng kiến sự rút lui của nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.
Trong tháng 2, giá nhà có sẵn tại các thành phố phát triển nhất của Trung Quốc đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất từng được ghi nhận.
Trở lại với doanh nhân Xu, anh đã bán căn hộ thứ hai của mình – bước đi anh mô tả là “cực kỳ đau đớn”. Nhưng Xu cho biết anh không hối hận bởi số tiền thu về giúp anh có thể chuyển ra nước ngoài khi tình hình xấu đi.
“Tôi vẫn hy vọng điều tốt nhất cho đất nước mình”, Xu chia sẻ. “Nhưng tình hình thực tế khiến tôi buộc phải có kế hoạch tìm kiếm lối thoát, bởi triển vọng rất đáng lo ngại”.
Sự dịch chuyển theo hướng đầu tư ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn, mà ở đó suy giảm kinh tế làm suy giảm niềm tin, và ngược lại, niềm tin yếu càng làm trầm trọng hơn tình trạng sụt tốc tăng trưởng – theo phân tích của ông Yasheng Huang, giáo sư về kinh tế và quản lý tại Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts.
“Khi một xã hội định hình một tâm lý nào đó, rất khó để thay đổi”, ông Huang cho biết.
TỪ HY VỌNG ĐẾN SỢ HÃI
Scarlett Hu, 37 tuổi, nhớ như in cảm giác của mình khi trở lại Trung Quốc vào năm 2014. Cô về nước sau thời gian học tập ở nước ngoài và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực hàng xa xỉ ở Thượng Hải.
“Khi đó, mọi người trong xã hội đều tràn trề hy vọng. Đâu đâu cũng thấy sự lạc quan”, Hu nhớ lại.”Khi trở về nhà sau giờ làm việc, chúng tôi đều tin rằng ngày mai mọi thứ sẽ tốt hơn”.
Năm 2017, Hu mua một căn hộ ở Thượng Hải và năm 2020 bắt đầu rót tiền vào các quỹ tương hỗ đầu tư cổ phiếu, trước khi sinh con. Hu hy vọng tiền lợi nhuận từ đầu tư sẽ giúp chi trả tiền học phí cho con. Khi đó, đây là quyết định đầu tư khôn ngoan bởi thị trường chứng khoán đang tăng trưởng nóng, còn chứng khoán đang tiến tới mức kỷ lục. Tuy nhiên, giờ đây, căn hộ của Hu đã giảm 15% giá trị, còn danh mục quỹ tương hỗ giảm 35%.
“Bây giờ chúng tôi nói về các kế hoạch và biện pháp cụ thể để đảm bảo một tương lai chắc chắn hơn, tập trung vào các cách nhằm đảm bảo an toàn. Không còn bầu không khí tham vọng nữa”, Hu chia sẻ.
Chính phủ Trung Quốc đang từng bước vực dậy thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế với các biện pháp như nới lỏng quy định cho vay với các doanh nghiệp địa ốc, hạ lãi suất và cam kết giải quyết tình trạng nợ nần của các chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá Bắc Kinh dường như không sẵn sàng thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng mà các chính phủ phương Tây thực hiện trong giai đoạn đại dịch Covid-19 như hỗ trợ tiền trực tiếp cho người tiêu dùng để thúc đẩy tiêu dùng.
Đầu tháng này, tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai cũng xuất hiện một số tín hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ không dễ đạt được mục tiêu này. Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, lo rằng tình hình có thể trở nên tôi tệ hơn.
Một nhà phân tích chứng khoán 40 tuổi ở Bắc Kinh cho biết đã mất việc vào tháng 8 năm ngoái khi công ty đóng cửa. Hiện nuôi hai con nhỏ trong khi thu nhập của chồng bấp bênh, cô lo rằng sẽ phải đối mặt với nhiều điều tồi tệ hơn.
“Mọi người đều nói rằng năm nay có thể sẽ vẫn là năm tốt nhất trong thập kỷ, trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó, chúng tôi phải chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn kéo dài”, cô chia sẻ.