Sau thành công thí điểm ở thành phố Cần Thơ trong việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là đề án 1 triệu ha lúa, hay đề án), mô hình đang tiếp tục được nhân rộng ra ở nhiều địa phương khác trong vùng như Long An, Kiên Giang...
KIÊN GIANG KHỞI ĐỘNG MÔ HÌNH
Phát biểu tại buổi lễ khởi động đề án ngày 16/7 vừa qua tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Tùng nêu rõ, hiệu quả chung của đề án là nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Còn hiệu quả xã hội là 1 triệu hộ nông dân được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững; và hiệu quả môi trường là góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, cụ thể giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính.
Cũng theo ông Tùng, đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Điểm khác biệt giữa mô hình canh tác của đề án và phương thức canh tác truyền thống là lượng giống gieo sạ trong mô hình thí điểm ở tỉnh Kiên Giang chỉ khoảng 60 - 70 kg/ha, tức bằng 1/3 lượng giống đang được nông dân ở đây áp dụng theo phương thức canh tác truyền thống. Giảm lượng giống gieo sạ cũng giảm lượng phân bón, giúp quản lý tốt các tác hại từ môi trường như dịch bệnh, rầy nâu và vì vậy lượng thuốc bảo vệ thực vật được dùng cũng hạn chế đi rất nhiều.
Về phần mình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện đề án với diện tích 200.000 ha và được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 (2024 – 2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) là 24.738 ha, và mở rộng diện tích ngoài vùng dự án VnSAT hướng đến năm 2025 mục tiêu đạt 100.000 ha, trong đó năm 2024 là 60.000 ha.
Giai đoạn 2 (2026 – 2030) sẽ xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới thêm 100.000 ha để hướng tới mục tiêu 200.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh.
Đề án triển khai trên địa bàn 12 địa phương trong toàn tỉnh, gồm Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 596,662 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thì hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 1 mô hình thí điểm 50 ha lúa với 25 hộ tham gia tại hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp.
Dự kiến trong tháng 8/2024 sẽ tiếp tục triển khai thêm một mô hình thí điểm với diện tích 10 ha lúa tôm ở huyện An Minh.
Được biết, năm 2024, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu sản xuất lúa trên 4,4 triệu tấn. Đặc biệt, cũng năm nay tỉnh thực hiện đề án 1 triệu ha lúa với diện tích thí điểm 60.000 ha, cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong thu hoạch vụ hè thu sắp tới.
LONG AN BƯỚC ĐẦU ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Long An đứng thứ tư về tổng diện lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sau An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp; đặc biệt có vùng chuyên canh lúa ở khu vực Đồng Tháp Mười với diện tích khoảng 300.000 ha (vùng Đồng Tháp Mười trải dài qua 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp với tổng diện tích gần 700.000 ha, chiếm ½ trong số đó thuộc địa phận Long An – chú thích của người viết).
Chính do lợi thế này mà Long An rất thuận lợi trong việc khai đề án 1 triệu ha tại 8 huyện, thị của tỉnh ở vùng Đồng Tháp Mười gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Ngay vụ đông xuân 2023 – 2024 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức triển khai thí điểm vụ đầu tiên của đề án tại các địa phương được chọn với diện tích hơn 23.000 ha.
Hợp tác xã nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) và hợp tác xã dịch vụ thương mại nông nghiệp Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) là hai đơn vị được chọn thí điểm. Kết quả vụ thu hoạch vừa qua, cả hai đơn vị được chọn thí điểm đều cho biết năng suất và chất lượng lúa đều đạt hơn lúa sản xuất bình thường.
Đơn cử như ở hợp tác xã Gò Gòn, trước khi áp dụng đề án này, lượng lúa giống gieo sạ do đơn vị sử dụng cũng đã giảm đáng kể do xây dựng chương trình “cánh đồng lớn và liên kết 4 nhà”, tức chỉ khoảng 100 kg lúa/ha. Nay ứng dụng đề án thí điểm, lượng lúa giống được giảm xuống nữa, chỉ 80 kg lúa/ha. Điều này đã giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập, tăng lợi nhuận.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, giai đoạn 1 (2024 – 2025), đề án tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án VnSAT trên địa bàn toàn tỉnh với diện tích khảng 60.000 ha.
Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp được nâng lên 31.310 ha, lượng lúa giống gieo sạ giảm dưới 70 kg/ha đồng thời sẽ giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, và giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” có mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, và tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp giảm phát thải khí nhà kính trên 10%, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.