Tại toạ đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử” ngày 23/11, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết tỉnh có 54 sản phẩm chủ lực đặc trưng, 180 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, quá trình đưa các sản phẩm của bà con lên sàn thương mại điện tử đang gặp không ít khó khăn.
TRỞ NGẠI TỪ VIỆC CHƯA TIẾP CẬN NHIỀU VỚI CÔNG NGHỆ SỐ
Các sản phẩm của Bắc Giang đều sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP... đã tạo được thương hiệu riêng, chiếm được niềm tin của khách hàng. Chính vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những sản phẩm mang tính chất mùa vụ cao và sản lượng lớn? Và thương mại điện tử là một lựa chọn.
Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các sàn thương mại điện tử, kết quả đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, đưa hình ảnh lên sàn ngay tại vườn, chốt đơn hàng… Song ông Toản chia sẻ, quá trình đưa các sản phẩm của bà con lên sàn thương mại điện tử không dễ dàng chút nào.
Đầu tiên, chính sách chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ thông tin về chuyển đổi số. Việc hỗ trợ của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong sự phát triển nhanh như vậy. Còn vấn đề quản trị khách hàng, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải làm sao đảm bảo chất lượng như quảng cáo…
Cái khó nữa, để tiêu thụ ổn định thì các hợp tác xã, các nhóm hộ sản xuất phải có một lượng sản phẩm đủ cung cấp ra thị trường. Nhưng vì hộ sản xuất chưa có ý thức trong việc phải đáp ứng được đơn hàng, họ bận đi công việc, đi ăn cỗ, ra ruộng… nên hàng hoá sản xuất ra rất bấp bênh.
Một vấn đề khác là chất lượng sản phẩm khi tiếp cận thị trường quốc tế thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba. Ngay sau khi lên sàn, trong vòng 1-2 tuần đầu lượng tương tác rất đông, có ngày 600 lượt khách hàng quan tâm nhưng họ đều yêu cầu phải là sản phẩm hữu cơ.
Tương tự, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc hợp tác xã Hồng Xuân cho biết trước khi lên sàn điện tử thì đơn vị đơn thuần chỉ là hợp tác xã về nông nghiệp ở vùng cao, nên khi tiếp cận với công nghệ gặp rất nhiều khó khăn, ban đầu là quy trình chụp ảnh, đưa ảnh sản phẩm lên gian hàng, giới thiệu sản phẩm…
Không chỉ vậy, ban đầu số lượng các đơn đặt hàng ít nên gặp khó khăn trong vận chuyển, nhất là những sản phẩm hoa quả tươi như vải thiều. Bởi để giữ độ tươi ngon, vải thiều cần đóng gói kỹ thuật, vận chuyển trong xe chuyên dụng, xe lạnh nên khi khách hàng đặt nhỏ lẻ thì rất khó khăn. Ngoài ra, nhân viên thành thạo trực và nhận đơn khách hàng online chưa có…
Chia sẻ với những khó khăn trên, ông Nguyễn Bình Minh, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thừa nhận, dù quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra với tốc độ khá cao, nhưng khoảng cách số giữa các thành phố và các địa phương còn rất lớn.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử hàng năm của các địa phương cho thấy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường có khoảng cách khá xa so với các điểm số trung bình của cả nước, thường gấp 4 lần. Đây là một trong những trở ngại, thách thức trong phát triển thương mại điện tử ở các vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, dù các công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại nhất thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên ở mức độ phổ cập cho bà con nông dân lại chưa có, nó chỉ nằm ở một số sản phẩm có giá trị cao.
ĐÀO TẠO NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản của vùng sâu vùng xa, ông Minh cho rằng cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Như các sàn thương mại điện tử hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm.
Tuy nhiên, đây chỉ là những bước ban đầu để đưa được sản phẩm lên trên sàn thương mại điện tử. Về lâu dài, Sở Công Thương các địa phương cần ra lộ trình hoạt động đào tạo, phát triển thương mại điện tử phù hợp nhằm trợ giúp bà con trong một thời gian dài liên tục để nâng cao trình độ thương mại điện tử.
“Chúng ta đưa được sản phẩm lên sàn rồi nhưng lại phải tối ưu nó, phải hỗ trợ hoạt động giao dịch, tạo ra những trải nghiệm khách hàng, đẩy lượng giao dịch lên cao. Nếu chỉ nghĩ đưa được sản phẩm lên sàn là xong thì tốc độ lan tỏa, lượng giao dịch, lượng đơn hàng sẽ không lớn”, ông Minh lưu ý.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ông Minh đề xuất, phổ cập các hoạt động về truy xuất nguồn gốc cho bà con nông dân cần được mở rộng, để tất cả các sản phẩm đều có khả năng ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại.
Trong thời gian tới, để tận dụng tốt hơn những cơ hội từ thương mại điện tử, ông Toản cho biết Bắc Giang sẽ hỗ trợ bà con nông dân xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, để tạo sự khác biệt, để không những bán được hàng mà lại bán được trên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tất cả bà con nông dân, các hộ nông dân đều có tài khoản trên sàn thương mại điện tử. “Chúng tôi xác định, mở nhiều tài khoản, mở nhiều gian hàng nhưng cuối cùng vẫn phải bán được hàng, đó mới là vấn đề cốt lõi”, ông Toản khẳng định.
Cùng với đó, hỗ trợ bà con mang sản phẩm vào những sàn thương mại điện tử lớn về trình độ quản trị và đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ trẻ thành thạo công nghệ và ngoại ngữ…
Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước trong tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương. Bởi bán hàng online không đơn thuần chỉ có chốt đơn bán hàng mà còn liên quan tới logistics, thanh toán..
Bổ sung thêm, ông Minh cho rằng các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu trên Internet. Bởi nếu muốn nông sản đi khắp thế giới, muốn nông sản vào được các thị trường uy tín, quan trọng nhất là có thương hiệu sản phẩm.
"Nếu có thương hiệu, chúng ta bán một sản phẩm ở thị trường Mỹ có thể kéo theo chúng ta bán được một nghìn sản phẩm ở các thị trường khác. Nếu sản phẩm có uy tín, có thương hiệu, được các thị trường khó tính chấp nhận thì đương nhiên sản phẩm của Việt Nam có thể đi khắp thế giới dễ dàng", ông Minh nhận định, đồng thời nhấn mạnh rằng việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều các doanh nghiệp cần đầu tư và nó sẽ mang tới cho doanh nghiệp một cái bước nhảy mới trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.