Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, vượt xa mốc kỷ lục 48,6 tỷ USD của năm 2021.
5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 20,26 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của hậu Covid và tình hình biến động của thế giới.
NÔNG SẢN KÉM CẠNH TRANH DO LOGISTICS CHƯA ĐỒNG BỘ
Theo báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố năm 2022, bên cạnh những giải pháp về xúc tiến thương mại, marketing, quảng bá tiếp cận thị trường quốc tế, thì hệ thống logistics và lưu trữ bảo quản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, tại tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics" ngày 23/6, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết chi phí logistics nông sản tại Việt Nam đang rất cao, đang chiếm 20-25% giá trị hàng hóa, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 12% hay thế giới 14%.
“Nông sản của các nước khác có thể không hơn Việt Nam về chất lượng nhưng họ hơn về giá thành. Chỉ riêng chi phí logistics, giá thành sản phẩm của chúng ta đã hơn các thị trường khác mười mấy %. Như vậy rất khó để cạnh tranh”, ông Tùng nhận định.
Bà Nguyễn Nam Phương Thảo, Giám đốc Kinh doanh Công ty Hoàng Phát cũng bổ sung, giá cước vận tải từ Bangkok đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với từ Hà Nội hay TP.HCM ít nhất từ 1-2 USD/kg. Điều này làm cho nông sản Việt khó có thể cạnh tranh với nông sản Thái trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, chi phí tại cảng và các khoản phụ phí vẫn còn cao. Không có hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp, nên chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao hơn nhiều so với các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan... Thời gian xử lý tại cảng hoặc vận chuyển dài.
Còn theo bà Nguyễn Tú Uyên, Tổng Giám đốc Công ty CMU Logistics, xuất khẩu trái cây phải trải qua nhiều công đoạn nhưng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của chúng ta phát triển chưa đồng bộ, chưa thật sự kết nối nên phát sinh nhiều thời gian, chi phí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, giá thành của nông sản.
Hệ thống cao tốc vẫn bị kẹt xe tại các nút giao, điểm nghẽn. Hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ. Chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ cho nông sản còn thiếu.
Hãng tàu, hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam hầu hết đều của nước ngoài, nên doanh nghiệp bị phụ thuộc vào giá cước vận chuyển, thời gian transit, lịch vận chuyển…
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho rằng hạ tầng cơ ở sản xuất, chế biến, bảo quản tại Việt Nam còn yếu khiến tình trạng hao hụt ở mức cao.
Rau quả xuất khẩu phải có những kho riêng, phương tiện vận chuyển riêng nhưng hiện chúng ta vẫn chưa có, vẫn thực hiện cùng với các loại nông sản khác. Chính vì vậy, hao hụt, tổn thất sau thu hoạch rất cao, lên tới 30-35%.
QUY HOẠCH TRUNG TÂM LOGISTICS NÔNG SẢN
Từ thực tế này, bà Nguyễn Tú Uyên đề xuất cần có quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, trong đó có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế giúp nâng cao chất lượng và ổn định giá thành.
Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hoá nông sản, nhất là các vùng nông sản tập trung, chủ lực. Kết nối đường thuỷ - đường bộ - đường sắt phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.
Ngoài ra, bà kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối từ các vùng nguyên liệu khu vực đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, các hợp tác xã có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất.
Về phía doanh nghiệp, bà Uyên cho rằng các doanh nghiệp logistics nên áp dụng công cụ quản lý tiên tiến trong công nghệ 4.0: AI, Big Data, Blockchain… giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất kinh doanh. Đồng thời, cần xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đa phương thức và toàn diện.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), bổ sung thêm, cần có thể chế và chính sách thiết lập hệ sinh thái logistics chuỗi lạnh gồm sản xuất, chế biến và thương mại.
Quy hoạch đất cho các trung tâm, cụm logistics và trung tâm chế biến sau thu hoạch. Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là khung pháp lý liên quan đến liên kết vùng, cải thiện kết nối khu vực.
Viện trưởng VLI kiến nghị, cần phát triển nguồn nhân lực và nền tảng điện tử cho logistics chuỗi lạnh như bản đồ chuỗi lạnh, chia sẻ dữ liệu và cơ sở hạ tầng. Tăng cường vai trò của hợp tác công tư.
Đặc biệt, PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà đề xuất phát triển mô hình liên kết 2 nhà là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) và mô hình liên kết 4 nhà gồm VLA, Vinafruit, UNIDO và VLI.
“Cần liên kết các đơn vị tạo chuỗi dịch vụ logistics tích hợp đối với hàng nông sản xuất khẩu giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian. Liên kết ngang với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm phát triển mạng lưới”, Viện trưởng VLI nhấn mạnh.
Cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics (hạ tầng cứng và mềm ICT) và đầu tư hạ tầng cho khu vực, đặc biệt hạ tầng vận tải kết nối đầu nguồn thu hoạch-hạ tầng trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng tỷ lệ thuê ngoài logistics để tăng tính chuyên môn hoá, giảm tỉ lệ hao hụt, tổn thất. Kết hợp với các doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế nhờ quy mô; tạo liên kết mạng lưới chủ hàng.
Ông Tùng đồng tình, để hoạt động chuỗi cung ứng đạt hiệu quả hơn, cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nông sản: Vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn – trạm sơ chế - nhà máy – kho lạnh – hệ thống vận tải – chiếu xạ – cảng biển, hàng không.
Liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics.