Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2011-2022, khí hậu cực đoan đã gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ USD. Thiệt hại do thiên tai hằng năm ước tính khoảng 1,5% GDP. Riêng cơn bão Yagi xảy ra hồi tháng 9/2024 vừa qua đã gây thiệt hại kinh tế trên 3,3 tỷ USD.
Dự báo trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ là một trong các tác nhân làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu có thể gây tổn thất từ 2-4,5% GDP.
Bên cạnh những thách thức, theo các chuyên gia, nếu có giải pháp ứng phó khôn ngoan, biến đổi khí hậu có thể mang lại nhiều cơ hội. Biến đổi khí hậu là cơ hội để thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; phát triển công nghiệp xanh và tạo việc làm mới. Đây cũng là cơ hội để chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; thu hút nguồn lực tài chính và công nghệ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
GIẢI PHÁP GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
Thông tin về các giải pháp lớn giảm phát thải khí nhà kính trong dài hạn, Cục Biến đổi khí hậu cho rằng cần nâng cao nhận thức, hành động thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải khí nhà kính triển khai thực hiện tốt kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính các lĩnh vực, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, được phân bổ hạn ngạch phát thải và tham gia thị trường carbon trong nước.
Cụ thể trong lĩnh vực năng lượng, Cục Biến đổi khí hậu cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.
Về nguồn cung năng lượng, đến năm 2030 tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050 tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát.
Cùng với đó nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối năng lượng để tăng hiệu quả, giảm tổn thất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon (CCS) cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cơ sở công nghiệp.
Còn trong lĩnh vực nông nghiệp cần áp dụng các biện pháp giảm phát thải thông qua quản lý, đổi mới công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp và chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Triển khai áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan từ canh tác lúa và chăn nuôi. Trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất, cần bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có; kiểm soát nghiêm ngặt chuyển đổi rừng, mất rừng và suy thoái rừng để giảm phát thải khí nhà kính. Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để tăng cường hấp thụ carbon. Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng để tăng hấp thụ carbon và giảm phát thải, chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn sang rừng trồng chu kỳ dài…
Đối với lĩnh vực chất thải cần triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, giảm thiểu phát sinh chất thải từ sản xuất đến tiêu dùng, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; tăng cường phân loại, tái sử dụng và tái chế. Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải như: chôn lấp có thu gom khí, chôn lấp bán hiếu khí; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu. Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải nhằm giảm phát thải khí mê-tan.
Trong các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp thực hiện cải tiến, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại. Thay than đá bằng khí tự nhiên trong sản xuất gạch ốp lát; sử dụng vật liệu thay thế trong sản xuất kính; áp dụng công nghệ thu giữ carbon trong các lĩnh vực sản xuất xi măng, hóa chất- phân bón và luyện thép.
XÂY DỰNG HỆ THỐNG ĐĂNG KÝ QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ HẠN NGẠCH PHÁT THẢI VÀ TÍN CHỈ CARBON
Trước xu thế biến đổi khí hậu và bối cảnh toàn cầu mới, ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải chuyển sang một giai đoạn mới, hướng tới thực hiện mục tiêu chung toàn cầu, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước.
Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh việc tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn.
Đẩy mạnh thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển hệ thống giao thông xanh; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển nông nghiệp thông minh phát thải thấp.
Trong năm 2025, sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi số của ngành và quốc gia; trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến và hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Cùng với đó sẽ đẩy mạnh triển khai kiểm kê khí nhà kính các cấp quốc gia, lĩnh vực, cơ sở và phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để tham gia thị trường carbon.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải khí nhà kính sẽ tập trung thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo các lĩnh vực, phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia.
Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo danh mục Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính làm cơ sở để các Bộ quản lý lĩnh vực đề xuất phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở thuộc phạm vi quản lý để tham gia thị trường carbon trong nước.
Đáng chú ý trong năm 2025 sẽ tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước. Nghiên cứu quy định hướng dẫn của UNFCCC tại Hội nghị COP29 để thể chế hóa trong văn bản pháp luật trong việc triển khai thực hiện Cơ chế Điều 6.4 Thỏa thuận Paris, đề xuất các hoạt động ưu tiên chuyển giao quốc tế về kết quả giảm phát thải (ITMO).
Theo dự kiến trong giai đoạn thí điểm, có khoảng 150 doanh nghiệp là các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon. Hạn ngạch sẽ được phân bổ 100% miễn phí trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tổ chức và quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.