Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu này khi phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV chiều ngày 7/6. Phiên chất vấn đã có số lượng kỷ lục các đại biểu đăng ký chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị Tư lệnh ngành khoa học và công nghệ từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng nắm rất chắc thực trạng lĩnh vực quản lý và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới.
NHIỀU ĐIỂM NGHẼN TRONG PHÁT TRIỂN VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ THEN CHỐT CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Qua báo cáo và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm ngành khoa học, công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2011-2020 được triển khai đã hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng... Đây là bước đột phá có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về phát triển khoa học, công nghệ ngày càng được hoàn thiện theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là đối tượng ưu tiên hỗ trợ của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học, công nghệ được cải thiện. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu hình thành và phát triển. Hiện nay đã có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu, khoa học công nghệ ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Thị trường khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn được chú trọng
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ cao còn chậm được ban hành, quy định hướng dẫn phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học công nghệ còn phức tạp và thiếu ổn định, còn nhiều điểm nghẽn, vướng mắc trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, còn có ít tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung cầu. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả, doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế về Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội nhưng vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Quy định về trích lập, sử dụng Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp còn vướng mắc và bất cập, hiệu quả còn thấp.
Ngoài ra, tổng đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự đi vào cuộc sống…
GIẢI PHÓNG NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tập trung thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định về giao nhiệm vụ, vấn đề đặt hàng hoặc đấu thầu, đặc biệt là thủ tục thanh, quyết toán các khoản chi về khoa học, công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Đổi mới tư duy và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học, công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trình độ cao. Có cơ chế phù hợp, khuyến khích nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học, công nghệ dành thời gian nghiên cứu, làm việc tại doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đã đạt được trình độ quốc tế.
Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ đảm bảo 2% chi ngân sách nhà nước trở lên. Chủ tịch Quốc hội cho biết, không phải Nhà nước không chi cho khoa học công nghệ mà vấn đề phải có đề án, công trình, dự án, có những đề xuất khả thi thì mới đảm bảo chi đủ. Mặt khác, hiện nay mới chi được 0,64% là chi sự nghiệp, chưa tính toán được chi cho hoạt động đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua phiên chất vấn cho thấy vấn đề chuẩn bị các nhiệm vụ chi, đặc biệt là các dự án đầu tư liên quan đến khoa học, công nghệ là nhiệm vụ rất quan trọng. Hàng năm, Quốc hội xem xét và quan tâm đến nội dung này trên cơ sở đề nghị của Chính phủ liên quan đến bố trí kinh phí khoa học, công nghệ cho cả Trung ương, địa phương. Chủ tịch Quốc hội khẳng định “Chúng ta không tiếc chi phí này, miễn làm sao chi đúng mục tiêu và mang lại hiệu quả, đóng góp thực sự nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế”.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ trong, ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư, hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư cộng đồng và các nền tảng công nghệ số, huy động thêm nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu cho phép thử nghiệm có kiểm soát chính sách mới, thúc đẩy ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh mới, có giải pháp đồng bộ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, các nội dung chất vấn đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ rất trọng tâm, trọng điểm, được đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng muốn làm sao để khoa học và công nghệ xứng đáng là quốc sách hàng đầu. Lĩnh vực khoa học và công nghệ thời gian qua có sự phát triển và đầu tư đúng mức. Tuy nhiên cũng còn những mặt hạn chế nhất định.
Đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) nhận xét, các đại biểu đặt câu hỏi tổng quát cụ thể từ những vướng mắc của địa phương. Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp. Qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng về các chính sách đầu tư cho khoa học và công nghệ, đại biểu hy vọng thời gian tới, khoa học và công nghệ sẽ được đưa vào thực tiễn và phát triển hơn nữa.
Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), các đại biểu đặt câu hỏi rất thẳng và rất khó, không chỉ mang tầm chiến lược mà còn đặt vấn đề về cách thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học hiện nay. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất cầu thị. Tất nhiên có những vấn đề nóng mà cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm như quỹ, vốn đưa ra nhưng dàn trải, manh mún không có chiến lược là điều cần thay đổi.