April 16, 2023 | 18:02 GMT+7

Tập trung xử lý 29 kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP.HCM

Minh Tâm -

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế sau kết quả tăng trưởng giảm sâu trong quý 1…

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 16/4 - Ảnh TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 16/4 - Ảnh TTXVN

Sáng 16/4, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh TP.HCM là đầu tàu của cả nước, cả về đóng góp GDP, đóng góp ngân sách cũng như những tác động vô hình tới kinh tế cả nước. TP.HCM phát triển tốt thì cả nước sẽ nhận tác động lan tỏa. TP.HCM khó khăn, cả nước cũng ảnh hưởng rất mạnh.

TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ ĐỂ TP.HCM VƯỢT KHÓ

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng kết quả tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý 1 giảm sâu, chưa đạt mong đợi. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 của TP.HCM ước đạt 360.622 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7% (cùng kỳ giảm 4,8%); doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc - Ảnh TTXVN.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc - Ảnh TTXVN.

Thành phố thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong quý 1 năm 2023 ước thực hiện 69.679,7 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Cũng trong quý 1/2023, Thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, thị trường bất động sản suy giảm, thị trường tài chính gặp khó khăn ảnh hưởng đến sức cầu hàng hóa và quy mô hoạt động của doanh nghiệp; tình hình việc làm biến động; sức mua đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa đủ kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%) và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%) so với cùng kỳ.

Việc giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 4%). Tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy một vài tổ chức và tiến độ kiện toàn các tổ cồng tác liên ngành còn chậm. Tình hình tội phạm về kinh tế, ma túy, tội phạm công nghệ cao còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Dự báo trong quý 2, kinh tế TP.HCM tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó lường; thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn; sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuât khâu thu hẹp.

Trước thực tế này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ Thành phố phân tích tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài để thành phố vượt khó, tăng trưởng trở lại. Cụ thể là có chính sách hỗ trợ đặc biệt xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch, cung tiền cho các doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất gỡ vướng chính sách, thủ tục và nguồn vốn để TP.HCM nhanh chóng triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm.

Vị lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị bố trí vốn cho 3 bệnh viện cửa ngõ từ nguồn thu ngân sách Trung ương. Đó là: Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi với tổng mức đầu tư 1.854 tỷ đồng; Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn với tổng mức đầu tư là 1.894,98 tỷ đồng; Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tổng mức đầu tư là 1.915 tỷ đồng. Cả 03 dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 5.663 tỷ đồng. Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để đầu tư 03 dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện này với tổng nhu cầu 4.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án bất động sản đã được UBND TP.HCM trình Báo cáo ngày 24/11/2022.

TẬP TRUNG XỬ LÝ KIẾN NGHỊ CỦA TP.HCM

Trước kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1 của TP.HCM giảm sâu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Thành phố cần phân tích kỹ, xử lý từng yếu tố tác động tới nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như kinh tế TP.HCM nói riêng.

“Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách, nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, tháo gỡ nhiều nút thắt về pháp lý nhưng đã vào tới TP.HCM chưa? Vào đến đâu rồi? Mức độ thế nào? Quá trình vận hành, áp dụng các chính sách còn vướng mắc gì, cần bổ sung gì không? Phối hợp giữa TP.HCM với Chính phủ, với các Bộ, ngành cần rút kinh nghiệm cái gì, thúc đẩy cái gì để tốt hơn? Trước tình hình như vậy, cần có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả. Cần tìm lời giải theo phương châm như vậy" - Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời, Thủ tướng cũng đã cho ý kiến với 29 đề xuất, kiến nghị của Thành phố, gồm 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và 05 kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành phối hợp với TP.HCM để thực hiện.

Trong đó, có các đề xuất liên quan việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc Thành phố - Trung Lương; Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đường Vành đai 3 TP.HCM; Đường Vành đai 4 TP.HCM; Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành - Tham Lương.

Về kiến nghị gỡ vướng cho dự án bất động sản liên quan đến các khu đất của doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết TP.HCM cần rà soát vướng mắc từng dự án trên địa bàn. Từ đó có đề xuất với bộ, ngành có ý kiến để tham mưu với Thủ tướng đề xuất giải pháp.

Ngay sau đó, Thủ tướng cho biết tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh, thành phố (Tổ công tác 153) đã có báo cáo Thủ tướng để báo cáo Bộ Chính trị về vướng mắc nói trên.

Liên quan tới kiến nghị của TP.HCM về nguồn vốn mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức sắp hoàn thành phần xây dựng, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Ông đồng thời đề nghị Thành phố xác định định mức trang thiết bị của từng bệnh viện, rà soát các thiết bị hiện có, phê duyệt dự án cụ thể để triển khai.

Thủ tướng lưu ý thêm, Thành phố cần khẩn trương giải ngân vốn đã được giao, chủ động ứng vốn, Trung ương sẽ cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ để phấn đấu hoàn thành các bệnh viện trong năm 2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate