December 09, 2020 | 17:05 GMT+7

"Thách thức khi sinh viên tốt nghiệp đại học lái xe cho Grab"

KIỀU LINH

Vẫn còn một tỷ lệ lao động trẻ là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học mới ra trường, chưa tìm được việc làm và tham gia hoạt động cho Grab

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dự thảo báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng doanh nghiệp vận tải, cá nhân (lái xe) tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến khá lớn. 

Grab có hơn 200 nghìn đối tác tài xế ôtô và xe máy, 16 ngàn đối tác nhà hàng, kinh doanh thực phẩm. Gojek có 150 ngàn lái xe và 80 ngàn đối tác nhà hàng … qua đó tạo việc làm và thu nhập cho khối lượng lớn người lao động.

CẢ NƯỚC CÓ 350.000 ĐỐI TÁC TÀI XẾ CHO GRAB, GOJEK

Với riêng Grab, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Grab là một ví dụ điển hình trong ngành dịch vụ vận tải hành khách đường bộ. Đến năm 2019, Grab có hơn 200 nghìn đối tác tài xế ôtô và xe gắn máy, với trên 100 nghìn xe gắn máy được kết nối tham gia mạng lưới qua nền tảng này. 

Cùng với việc tận dụng nguồn tài nguyên nhàn rỗi (ô tô, xe máy, lao động) tham gia mạng lưới, Grab cũng làm giảm tỷ lệ chạy rỗng của xe ô tô với tỉ lệ lấp đầy lên đến 70-90% tùy thời điểm, trong khi tỷ lệ lấp đầy của xe taxi truyền thống chỉ đạt 30-50%, giúp tiết kiệm tài nguyên và góp phần tăng tính hiệu quả, hiệu suất phân phối tài nguyên thị trường dịch vụ vận tải hành khách đường bộ. 

Mặt khác, nền tảng Grab đã hợp tác với Moca để cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính thanh toán số cho khách hàng, thường xuyên có chương trình khuyến mại để khuyến khích và tạo thói quen không dùng tiền mặt cho khách hàng. 

Hiện nay, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đạt 43%, riêng Grab Mart đạt 70%, trong khi tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt cả nước chưa đạt đến 10%. Nhờ tận dụng và khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giá trị sản lượng dịch vụ mà Grab tạo ra có quy mô tăng nhanh, thể hiện qua số thuế mà Grab và các đối tác đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng nhanh từ 189 tỷ đồng năm 2017 lên gần 700 tỷ đồng năm 2019. 

Kể từ khi Grab và các nền tảng kết nối khác tham gia thị trường vận tải hành khách đường bộ, thị trường dịch vụ này đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt nhất là khi có nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới như VATO, Be, Fastgo, Uber, Go-Jet Việt Nam, Gonow của Viettel…, thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ vận tải trực tuyến tăng nhanh, thị phần của các nhà vận tải truyền thống giảm tương ứng. 

Tình hình đó đã tạo áp lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ. Nhờ gia tăng tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ đã được nâng cao và giá dịch vụ tương đối cạnh tranh. 

THÁCH THỨC KHI SINH VIÊN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC LÁI XE CHO GRAB

Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức từ mô hình Grab. 

Cụ thể, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động trẻ tham gia lái xe công nghệ, giao hàng, dịch vụ bán hàng online, dịch vụ du lịch … ngày càng tăng trong những năm gần đây. Những lao động này thường là thanh niên không có trình độ và khó tìm được việc làm, một tỷ lệ nhỏ là lao động trong độ tuổi trung niên. 

“Việc dễ dàng tham gia vào mô hình này giúp họ có công việc, có thu nhập đảm bảo cuộc sống và được tham gia vào mạng lưới xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ lao động trẻ là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học mới ra trường, chưa tìm được việc làm và tham gia hoạt động cho Grab, Uber. Điều này cũng đặt ra thách thức cho các nhà quản lý lao động liên quan đến tạo việc làm phù hợp, chất lượng cho đối tượng lao động trẻ có trình độ chuyên môn kỹ thuật”, Báo cáo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong số các xe ôtô vận tải hành khách theo hợp đồng, có một tỷ lệ đáng kể chủ xe mua xe (một hoặc nhiều xe) với mục đích kinh doanh khi tận dụng được cơ hội thị trường. 

Điều này tiềm ẩn rủi ro khi nhu cầu thị trường đi xuống, làm giảm doanh thu, không bù đắp được các khoản chi phí như lãi vay ngân hàng, trả công lái xe, khấu hao xe, chi phí nhiên liệu …. nên dễ dẫn đến thua lỗ, phải bán hoặc cầm cố xe.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, việc xuất hiện hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử thuận tiện khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống không thể cạnh tranh và buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh, dẫn tới lãng phí tài sản đã đầu tư của các doanh nghiệp taxi truyền thống. 

Ví dụ, số lượng đầu xe taxi của Vinasun, một trong những doanh nghiệp taxi hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, đã liên tục giảm từ năm 2016 đến năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Thách thức khi sinh viên tốt nghiệp đại học lái xe cho Grab" - Ảnh 1.

Số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Vinasun.

Theo báo cáo của Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, tính đến đầu năm 2018, số lượng xe taxi truyền thống đã giảm 30%, riêng Hà Nội giảm trên 35%. Một số hãng taxi phải tái cấu trúc, trong đó có 1 hãng taxi giải thể (Comfort Delgro Savico Taxi), một số hãng taxi phải sáp nhập với nhau để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường (G7 Taxi, Liên minh Taxi Việt), một số hãng taxi phải tái cấu trúc, cắt giảm nhân viên, thay đổi mô hình kinh doanh (Vinasun, Mai Linh) …

ĐỀ XUẤT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Để đảm bảo phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ bao gồm vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chung như: Nhà nước tăng cường công tác nghiên cứu dự báo, cảnh báo sớm những sai lệch của thị trường có thể xảy ra trong phân bổ các nguồn lực đầu tư phát triển trong nền kinh tế do tác động của sự phát triển bùng nổ của một hoặc một số loại hình kinh tế chia sẻ gây ra.

Đề xuất tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách về tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh chia sẻ trên thị trường trong nước.

Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; giải quyết các vấn đề nảy sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội của khu vực kinh doanh truyền thống khi bị thu hẹp thị phần trong cạnh tranh với các loại hình kinh doanh chia sẻ, giảm thiểu các xung đột xã hội có thể nảy sinh.

Tiếp tục các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chương trình đào tạo nghề sát thực tiễn, gắn với nhu cầu lao động của thị trường kinh tế chia sẻ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và kỹ năng cho người lao động chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp khi tham gia kinh tế chia sẻ. 

Thực hiện công tác phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo nghề chính xác, kịp thời, xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu trình độ nghề theo vùng, miền nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate