Ô tô điện “trỗi dậy”
Theo báo cáo của Viện Ô tô Thái Lan, năm 2022, Thái Lan thăng hạng một bậc, lọt vào top 10 quốc gia có sản lượng ô tô lớn nhất thế giới với 1,88 triệu chiếc được xuất xưởng. Ngành sản xuất ô tô của quốc gia này chỉ chiếm 2% GDP, trong khi lĩnh vực bán hàng và sửa chữa ô tô, xe máy lại chiếm đến 16% GDP. Thái Lan cũng xếp thứ 17 thế giới về xuất khẩu ô tô với 20 nhà sản xuất, lắp ráp xe hạng nhẹ, 10 nhà sản xuất, lắp ráp xe hạng nặng với tổng công suất hàng năm có thể đạt khoảng 3 triệu chiếc. Dự kiến đến 2030, sản lượng ô tô tại Thái Lan sẽ đạt 2,5 triệu chiếc, trong đó lượng xe không phát thải (ZEV) chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
So sánh với Việt Nam, Thái Lan không có một nhà sản xuất ô tô nội địa nào có thể đặt lên bàn cân với VinFast, cả về quy mô, sản lượng, chủng loại sản phẩm hay độ phủ thương hiệu trên toàn cầu. Trong hàng chục năm, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ vào doanh nghiệp FDI của Chính phủ đã biến quốc gia này trở thành một trung tâm sản xuất, phân phối ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chính sách này giúp Thái Lan có lợi thế thu hút các hãng xe điện du nhập thị trường, đầu tư sản xuất.
Hiện tại, các mẫu xe điện ăn khách nhất tại Thái Lan, đa số là các mẫu xe cỡ nhỏ, xe mini đến từ các thương hiệu Trung Quốc như NETA, BYD, Wuling, MG, GWM. Xe Nhật Bản cũng rất được ưa chuộng với các mẫu xe thuần điện của Nissan, Toyota, Lexus. Ngoài ra, còn các mẫu xe điện hạng sang của Mercedes-Benz, BMW, MINI, Audi, Porsche, Volvo...
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Thái Lan, năm 2022, sản lượng xe điện các loại, bao gồm ô tô, xe máy, xe buýt, xe ba bánh (tuk tuk) và xe tải chạy bằng điện tại Thái Lan gia tăng đột biến lên 86.181 chiếc. Trong đó, xe Hybrid (HEV) đạt 54.035 chiếc, xe thuần điện (BEV) đạt 20.815 chiếc, xe Plug-in Hybrid (PHEV) đạt 11.331 chiếc. Dự báo, sản lượng xe điện các loại có thể tăng gấp đôi trong năm 2023. Bởi chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng xe điện tại quốc gia này đã đạt 94.459 chiếc. Trong đó, xe BEV ngày càng được đẩy mạnh, tiệm cận với doanh số xe Hybrid. Tính đến hết tháng 6, xe BEV đã chiếm 45,5% thị phần xe điện toàn thị trường, xe Hybrid chiếm 47,7%, còn lại là xe PHEV. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, Thái Lan có khoảng 429.000 xe điện được đăng ký.
Về hạ tầng trạm sạc, tính đến tháng 5/2023, Thái Lan chỉ có 1.482 trạm sạc với 4.628 trụ sạc các loại. Chuẩn kết nối phổ biến là AC Type 2 và DC CCS 2 của Châu Âu, tương tự các trạm sạc của VinFast. Ngoài ra còn có chuẩn sạc DC CHAdeMO (chuẩn sạc áp dụng cho các dòng xe tại thị trường Nhật Bản).
Điểm khác biệt ở chỗ, ngoại trừ GWM đang sở hữu 6 trạm sạc, tại Thái Lan, không còn hãng xe nào trực tiếp đầu tư trạm sạc mà sẽ là sân chơi của các công ty năng lượng, công ty công nghệ như: EA Anywhere, Station Pluz, Evolt, Sharge, PEA Volta v.v...
Tham vọng trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện lớn nhất Đông Nam Á
Nhìn lại chặng đường lịch sử, Việt Nam và Thái Lan đều manh nha xây dựng và phát triển ô tô từ những năm 1958-1960, nhưng con đường lại khác nhau. Việt Nam tập trung cho sản xuất ô tô trong nước, hướng đến tự sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt với tỷ lệ nội địa hóa cao. Tuy nhiên, do sự lạc hậu, yếu kém của ngành sản xuất quan trọng nhất là ngành cơ khí, thiếu định hướng rõ ràng về chiến lược phát triển, cùng những khó khăn về kinh tế do chiến tranh kéo dài, nhiều doanh nghiệp Việt đã không thể trụ vững. Việc liên doanh, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất khó khăn do thiếu cơ chế, đãi ngộ phù hợp, khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước bị tụt hậu trong nhiều năm.
Trong khi đó, chiến lược phát triển ngành ô tô tại Thái Lan được cho là khá rõ ràng, bao gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn mở đầu (1960-1986), Thái Lan cũng chỉ có một ngành công nghiệp non trẻ như các nước khác trong khu vực, phải tự lần mò hướng đi.
Giai đoạn 2 (1987-1997) là giai đoạn tăng tốc lần thứ nhất. Tương tự như Việt Nam, Thái Lan cũng chỉ tập trung bảo hộ cho ngành công nghiệp nội địa, không khuyến khích doanh nghiệp FDI. Chính phủ nước này tăng mạnh thuế đối với xe nhập khẩu, ngược lại, hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong nước như đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, tiện ích, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách đã sớm nhận ra sai lầm và tiến hành điều chỉnh. Từ năm 1990, Thái Lan tập trung hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Điều này đã giúp ngành ô tô Thái Lan có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ, với sản lượng ô tô hàng năm đạt trên dưới 500.000 chiếc, tương đương với Việt Nam ở thời điểm năm 2022. Như vậy, nếu xét về dung lượng thị trường, Thái Lan đã đi trước Việt Nam khoảng 30 năm.
Giai đoạn 3 (1998-2010) là giai đoạn tăng tốc lần thứ hai, hướng đến toàn cầu hóa. Nhờ chiến lược rõ ràng trong phát triển CNHT ở giai đoạn trước, kết hợp với việc bãi bỏ những quy định lỗi thời về tỷ lệ nội địa hóa đã tạo một tiền đề quan trọng cho sự gia nhập, hợp tác của các doanh nghiệp FDI vào thị trường. Để giữ chân các nhà đầu tư lớn, Chính phủ Thái Lan sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ hấp dẫn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tới 8 năm, một số khu vực được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi bắt đầu ký kết Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) vào năm 1992, Thái Lan đã có một thế mạnh rất lớn về tỷ lệ nội địa hóa nên nghiễm nhiên các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại nước này được ưu đãi về thuế quan. Sản lượng ô tô đạt đỉnh 1,7 triệu chiếc vào năm 2009. Đến ngày 17/5/2010, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Các doanh nghiệp ô tô tại Thái Lan tiếp tục được áp dụng thuế nhập khẩu 0% tại thị trường Đông Nam Á.
Giai đoạn 4 (2011 đến nay) là giai đoạn đột phá về công nghệ. Việc sở hữu hệ thống nhà cung cấp lớn, cùng mối quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài với các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã giúp Thái Lan đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ lõi, công nghệ mới trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng về sản lượng dù không mạnh mẽ như giai đoạn trước đó, nhưng đang dần thay đổi về chất lượng, chuyên môn hóa cao hơn.
Chiến lược về xe điện được Chính phủ Thái Lan tập trung thực hiện từ năm 2022 gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2022, Chính phủ ưu tiên phát triển xe máy điện trước và hỗ trợ cơ sở hạ tầng trên toàn quốc. Thị trường ô tô điện chưa thực sự được quan tâm.
Giai đoạn 2023-2025, các loại hình phương tiện chạy điện khác mới bắt đầu được thúc đẩy. Với tiềm lực sẵn có, Thái Lan có thể sản xuất được 225.000 ô tô điện (bao gồm cả xe bán tải), 360.000 xe máy điện, 18.000 xe buýt, xe tải điện.
Giai đoạn 2026-2030, 30% của tổng sản lượng ô tô, xe bán tải và xe máy trên thị trường sẽ là xe điện, bao gồm 725.000 ô tô, xe bán tải điện, 675.000 xe máy điện. Đồng thời, Thái Lan cũng sẽ tập trung sản xuất pin xe điện trong nước để chủ động về nguồn cung.
So với Chiến lược phát triển ngành ô tô điện hóa Việt Nam giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đang được các Bộ, ngành xây dựng, chiến lược của Chính phủ Thái Lan đưa ra kỳ hạn “gấp gáp” hơn nhiều. Trong đó, mục tiêu 30% là ZEV chỉ trong vòng gần 7 năm tới là rất khó khăn. Bởi lẽ, tính đến quý I/2023, tỷ lệ xe điện chạy pin trong tổng số xe chở khách tại quốc gia này mới chỉ đạt 3,8%, trước đó là 0,3% vào quý I/2022 (theo Bangkok Post). Tuy nhiên, nhờ việc duy trì những chính sách ưu đãi hào phóng dành cho doanh nghiệp nước ngoài, trong hai năm gần đây, lĩnh vực xe điện của Thái Lan đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể về đầu tư FDI. Một số nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc, bao gồm Great Wall Motors, BYD, Hozon New Energy và Changan Automobile đã bắt đầu khởi công xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện tại Thái Lan để sẵn sàng cho những đơn hàng đầu tiên vào năm 2024. Nhờ sự hợp tác này, mục tiêu của Thái Lan trong giai đoạn 2026-2030, dù khó nhưng vẫn có tính khả thi.
Cũng như 4 giai đoạn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan trước đó, trong từng tiến trình đều có những hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ thiết thực và sự đồng hành của Chính phủ. Đó là giải pháp quan trọng giúp một ngành công nghiệp ô tô non trẻ ở khu vực Đông Nam Á vươn lên, kéo gần khoảng cách với các quốc gia phát triển. Việt Nam và Thái Lan đều đang có cơ hội ngang nhau trong lĩnh vực xe điện. Điều quan trọng là nắm bắt đúng thời cơ và có đủ quyết tâm thực hiện.