Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa ra thông báo về việc tổ chức tham vấn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế có xuất xứ từ Malaysia và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Mã số vụ việc: AD16)
Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cơ quan điều tra sẽ tổ chức buổi tham vấn công khai trong vụ việc AD16.
Thời gian diễn ra buổi tham vấn từ 09h00-12h00, ngày 21/11/2022 (giờ Hà Nội) tại Phòng họp 101 – 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ngôn ngữ: Tiếng nói và chữ viết dùng trong buổi tham vấn là tiếng Việt. Các Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết khác, tuy nhiên phải có phiên dịch từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt.
Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do các Bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Các Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.
Cục Phòng vệ thương mại yêu cầu, các bên liên quan đến vụ việc gửi đăng ký tham gia và nội dung tham vấn (nếu có) trước 17h00 ngày 14/11/2022 (theo giờ Hà Nội).
Trước đó, ngày 30/9/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1991/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Malaysia và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,40% đối với sản phẩm ghế và 35,20% đối với sản phẩm bàn.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Malaysia ở mức không đáng kể (dưới 3%), vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Malaysia được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.
Đối với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc, mức độ bán phá giá được xác định từ 21,40% đến 35,20% và lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra gia tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với tổng lượng tiêu thụ nội địa và sản lượng hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước, là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.