Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đấu tranh và khởi tố 121 vụ, 166 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với tổng số tiền cho vay lãi nặng hơn 1.000 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 100 tỷ đồng.
Qua đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện biến tướng nguy hiểm của "tín dụng đen" là lập các hợp đồng "giả cách", đây là hình thức các bên tham gia hợp đồng tạo ra một giao dịch dân sự khác nhằm che giấu thực chất của giao dịch chính với người vay tín chấp, thế chấp.
Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Gắn liền với thủ đoạn trên là thủ đoạn "mua bán nợ". Chủ nợ lập hợp đồng với công ty "mua bán nợ" (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) liên hệ người vay cố tình chây ỳ không trả nợ thì sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải…) để đòi nợ theo hợp đồng.
Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng thường không dùng sổ sách để ghi chép nợ, lãi mà sử dụng phần mềm trên Internet để giao dịch. Các đối tượng cũng không viết giấy biên nhận, giấy vay tiền hoặc hợp đồng thuê xe môtô, ôtô như trước đây mà sử dụng giấy xin việc hoặc mua bán tài sản có hợp đồng công chứng “chờ”.
Thậm chí, các đối tượng còn quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Zalo nhằm tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền, lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Khi người vay không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất cao, các đối tượng có nhiều thủ đoạn để đe dọa, gây sức ép, khủng bố tinh thần đối với các con nợ, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.
Với thủ đoạn “Cho vay không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay". Đặc biệt, các đối tượng còn triệt để lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Mặc dù đã được tuyen truyên truyền, cảnh báo nhưng vì nhiều lý do khác nhau không ít người dân dễ dàng “sập bẫy” tín dụng đen.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này, thời gian qua Giám đốc và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm tín dụng đen để người dân cảnh giác, phòng ngừa và đấu tranh, tố giác tội phạm.
Mặt khác, phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cơ sở dịch vụ cầm đồ trên địa bàn để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, thậm chí đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm nhằm hạn chế tối đa các hoạt động cho tín chấp bất hợp pháp, tín dụng đen, không để tội phạm hình sự “núp bóng” lợi dụng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Điển hình, ngày 28/3/2023 Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động gần 2.500 cán bộ chiến sĩ các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt ra quân tổng kiểm tra 735 cơ sở cầm đồ, cho vay dịch vụ tài chính trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện 405 cơ sở vi phạm với các lỗi: không đủ tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; sổ sách ghi chép không đảm bảo; cầm cố xe không có giấy ủy quyền; hệ thống lưu giữ vật cầm cố không đúng đăng ký với cơ quan có thẩm quyền…Qua đợt tổng kiểm tra này, các cơ sở kinh doanh tài chính và dịch vụ cầm đồ không đủ điều kiện theo quy định đã xin tạm dừng hoạt động; các đối tượng hình sự cộm cán đứng sau cũng không dám hoạt động, mở rộng kinh doanh.
Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động lực lượng, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh đối với các loại tội phạm này. Kết quả đã đấu tranh triệt xóa hàng loạt đối tượng cộm cán, chuyên cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Điển hình như Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố 36 vụ, 45 bị can phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, trong đó đã phá chuyên án chung 323L, bắt giữ 7 đối tượng; Công an huyện Hậu Lộc phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phá Chuyên án chung, bắt giữ đối tượng Trương Văn Thịnh, sinh năm 1987 ở thị trấn Hậu Lộc, là Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh tài chính Đại Thịnh Phát về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; Công an huyện Hà Trung phá chuyên án chung 523T, bắt giữ 27 đối tượng chuyên hoạt động “tín dụng đen”…