Dòng tiền tiếp tục từ chối mua khiến lực cầu suy yếu nghiêm trọng. Trong khi đó nhu cầu chốt lời lại gia tăng đã tạo sức ép lên gần như toàn bộ cổ phiếu. VN-Index chốt phiên sáng nay để mất 5 điểm (-0,39%) với số mã giảm giá nhiều gấp 3,1 lần số tăng giá.
Giá trị khớp lệnh sàn HoSE đã giảm 20% so với sáng hôm qua, chỉ đạt hơn 5.408 tỷ đồng. Tiền vào rổ VN30 thậm chí giảm tới 30%, chỉ còn hơn 2.312 tỷ đồng. Sức mua yếu như vậy tất yếu dẫn đến khối lượng chặn đỡ mỏng.
Thị trường ban đầu chưa yếu ngay, lúc 9h32 chỉ số VN-Index còn tăng cao nhất trên tham chiếu gần 3,5 điểm. Độ rộng tại đỉnh này cũng khá tốt với 157 mã tăng/139 mã giảm. Tuy nhiên đến đỉnh thứ hai thấp hơn lúc 10h35 chỉ số vẫn trên tham chiếu nhưng độ rộng chỉ còn 126 mã tăng/215 mã giảm. Rõ ràng VN-Index chỉ còn được nâng đỡ bởi một số mã vốn hóa lớn còn cổ phiếu khác đã điều chỉnh trước. Đến khi các trụ cũng sụt giảm, thị trường bắt đầu lao dốc cả loạt. Chốt phiên sáng, sàn HoSE chỉ còn 94 mã mã tăng/295 mã giảm.
VN30-Index đang giảm 0,47% với 6 mã tăng/20 mã giảm. Nhiều mã blue-chips đang chốt ở mức thấp nhất như CTG, MWG, SHB, SSI, VHM, VPB dù mức giảm so với tham chiếu chưa nhiều. Rất nhiều cổ phiếu khác chốt sát giá thấp nhất và chỉ cao hơn 1 bước giá nhờ vài lệnh mua nhỏ cuối cùng. Thanh khoản rổ VN30 giảm mạnh 30% xác nhận dòng tiền tiếp tục rời bỏ nhóm này. BVH, BCM, VNM, VIB, VIC, GAS là những đại diện còn xanh nhưng mức tăng cũng rất nhỏ.
VN-Index không còn nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt, đặc biệt là ngân hàng điều chỉnh gần hết. BAB, VIB là 2 trong số 27 mã còn tăng. Nhóm trụ khác cũng tương tự và các mã chưa rơi qua tham chiếu thì cũng đã suy yếu nghiêm trọng. Chẳng hạn BVH để mất tới 1,63% so với đỉnh đầu phiên, VIC tụt khoảng 0,83%, VNM tụt 1,32%, GAS tụt 0,94%... Trong top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường xuất hiện VHM giảm 1,13%, HPG giảm 1,17%, FPT giảm 0,9%.
Với độ rộng rất hẹp, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chịu tác động nặng nề. Nhóm này vốn đã bị chốt lời sớm hơn từ vài ngày trước và đến khi VN-Index quay đầu thì áp lực bán càng gia tăng. Tuy các chỉ số mới giảm rất nhẹ, Midcap giảm 0,77%, Smallcap giảm 0,69% nhưng sàn HoSE hiện đã có 108 mã giảm giảm quá 1% và nhóm này chiếm gần 35% tổng giá trị khớp của sàn. Ngoài một số blue-chips như HPG, VHM, MWG, có thêm VIX giảm 2,06% khớp 110,2 tỷ đồng, NVL giảm 1,55% khớp 102,7 tỷ, AAA giảm 3,29% khớp 101,3 tỷ, PNJ giảm 1,37% khớp 64,8 tỷ… Các cổ phiếu thanh khoản nhỏ hơn thậm chí rơi sâu như APH giảm 6,59%, RDP giảm 5,44%, NHH giảm 4,65%, SMC giảm 3,1%, SCR giảm 2,34%, HHS giảm 2,32%...
Nhóm đi ngược dòng không có nhiều cổ phiếu đáng chú ý. Với bối cảnh dòng tiền chung rất yếu, khả năng nâng đỡ các mã lớn có thanh khoản cao là rất khó. Đại đa số các mã tăng có thanh khoản nhỏ. EVG tăng 6,9%, SGR tăng 5,38%, CCL tăng 3,3%, HCD tăng 2,94%, VHC tăng 2,37%, ANV tăng 1,69%, PC1 tăng 1,37%, TNH tăng 1,05% là những mã đáng kể nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng khoảng 253 tỷ đồng trên HoSE và 54 tỷ trên HNX. Không nhiều cổ phiếu bị rút vốn mạnh, nhiều nhất là HPG -54,8 tỷ, MWG -35,7 tỷ, HSG -22,1 tỷ, PVI -27 tỷ. Bên mua ròng cũng chỉ có FPT +47,7 ỷ và VCB +25,5 tỷ là nhiều nhất.
VN-Index điều chỉnh nhẹ sang phiên thứ 2 vẫn chủ yếu là do dòng tiền mua sụt giảm và mất đi khả năng giữ nhịp ở nhóm cổ phiếu lớn. Thị trường vẫn chưa xuất hiện tình trạng xả hàng mạnh với khối lượng lớn, nhưng rõ ràng lực cầu là quá kém. Nhà đầu tư đã không sẵn sàng mua ở vùng giá hiện tại khi kết hợp với rủi ro của VN-Index quay lại vùng đỉnh lịch sử cũ. Nếu nhu cầu bán gia tăng, biên độ điều chỉnh sẽ mạnh hơn vì tiền thiếu là điều quá rõ.