October 08, 2021 | 14:08 GMT+7

Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Phan Anh -

Điều này được ví như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính...

Cơ hội cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản và các thị trường khó tính.
Cơ hội cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản và các thị trường khó tính.

Ngày 7/10/2021, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông- Lâm- Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận.

Như vậy, đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể ví như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng cũng như thế giới nói chung. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…).

Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp. Để vượt qua, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.

Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận
Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận

Các chuyên gia cho biết, giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản sẽ có nhiều lợi thế.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Tuy nhiên, việc được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, mở rộng hơn nữa chỗ đứng sẽ cần nhiều nỗ lực trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate