Chuyên gia dinh dưỡng Brittany DeLaurentis, người sáng lập Brittany Lynn Nutrition cho biết nhiều người thích hương vị của nước tăng lực hơn cà phê vì nước tăng lực đem đến cảm giác khỏe mạnh ngay lập tức. Chính vì vậy, nước tăng lực trở thành đồ uống bổ sung dưỡng chất phổ biến nhất, bên cạnh vitamin tổng hợp. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Mỹ, 30 - 50% thanh thiếu niên thường xuyên uống nước tăng lực.
Tuy nhiên, dù nước tăng lực có khả năng đem lại những tác động tích cực như giúp người uống tỉnh táo, nâng cao hoạt động của não, tăng mức độ tập trung và phản ứng, song loại đồ uống này ảnh hưởng tiêu cực lên cơ thể. Chẳng hạn, uống quá nhiều nước tăng lực cũng có thể phần nào gây ra các vấn đề về tim. Trong một nghiên cứu với sự tham gia của 68 tình nguyện viên khỏe mạnh, các chuyên gia phát hiện người uống nước tăng lực chứa 240 mg caffeine có huyết áp tâm trương tăng đáng kể.
Theo trang Heathcare Executuve, với số lượng lớn, bất kỳ chất kích thích nào cũng có thể khiến nhịp tim không đều hoặc tăng huyết áp một cách nguy hiểm. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện đã phát hiện số trường hợp đến phòng cấp cứu liên quan đến nước tăng lực đã tăng từ khoảng 10.000 ca năm 2007 lên hơn 20.000 ca năm 2011. Một trong những tác động rõ ràng nhất là phần lớn những người uống nước tăng lực có chất lượng giấc ngủ kém, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến chức năng não bộ.
Giống với đa số các loại nước ngọt, nước tăng lực cũng chứa lượng đường cao. Uống nhiều đường có thể làm lượng đường trong máu tăng đột biến. Theo thời gian, điều này dẫn đến stress oxy hóa và viêm nhiễm, góp phần gây ra một số bệnh mạn tính. Hiện một số thương hiệu cho ra mắt nước tăng lực không đường nhưng vẫn chứa chất làm ngọt nhân tạo, có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Thời gian gần đây, một số hãng quảng cáo nước tăng lực của mình là "lành mạnh" vì trong thành phần có chứa vitamin, chất khoáng, axit amin chuỗi nhánh và các dạng tự nhiên của caffeine. Tuy nhiên, mọi người cần thận trọng với những quảng cáo như vậy. Nước tăng lực gắn mác lành mạnh vẫn có thể vượt quá lượng caffeine khuyến nghị là 400 mg/ngày. Để tránh tiêu thụ quá mức caffeine và đường trong nước tăng lực, người tiêu dùng nên đọc nhãn dinh dưỡng, hiểu các thành phần được sử dụng và tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để đưa ra quyết định sáng suốt.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nhi khoa Mỹ mới đã chỉ ra, hầu hết các loại đồ uống như nước tăng lực, nước thể thao đều không lành mạnh, nhưng lại thường được quảng cáo mạnh mẽ đến những người trẻ tuổi. Ngoài ra, hai loại nước này đôi khi có thể gây nhầm lẫn, nhưng có sự khác biệt quan trọng trong thành phần của chúng.
Đồ uống thể thao thường chứa đường và chất điện giải như kali và natri. Những loại nước này thường chỉ dành cho các vận động viên trưởng thành, giúp phục hồi chất điện giải, calo và carbohydrate nhằm duy trì hiệu suất và phục hồi cơ thể sau tập luyện tốt hơn. Tuy nhiên, lượng đường ở trong những loại nước này lại khá cao. Một chai nước thể thao 354ml có chứa tới 21g đường và một chai 960ml tương đương 56g đường. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ quá nhiều đường ở trẻ góp phần gây tăng động, tăng cân, béo phì và sâu răng.
Trong khi đó, nước tăng lực ngoài các chất guarana (còn được gọi là cacao Brazil), taurine, nhân sâm và vitamin B còn có thể chứa một lượng caffeine đáng kể. Một lon nước tăng lực dung tích 710ml có thể chứa 500mg caffeine, tương đương với 5 tách cà phê. Giống như cà phê, nước tăng lực có thể gây phụ thuộc. Những người trẻ thường uống nhiều hơn một cốc mỗi ngày, mang lại tới cảm giác tràn đầy năng lượng để vượt qua ngày dài. Nhưng một khi không uống sẽ cảm thấy mệt mỏi, hết năng lượng và chỉ có caffeine mới giúp họ trở lại bình thường.
Còn theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Teesside và Đại học Newcastle thì trẻ em uống những thức uống tăng lực, có cafein có nhiều khả năng bị thừa cân và mắc các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, chúng cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm và cố gắng tự tử. Các mối nguy hiểm khác bao gồm chất lượng giấc ngủ kém, các triệu chứng ADHD và căng thẳng nghiêm trọng.
Theo KidNews, các nhà khoa học đã thực hiện hàng chục nghiên cứu và xem xét dữ liệu từ 57 nghiên cứu trước đó để xem xét tác động của các loại thức uống này đối với trẻ em. Các nghiên cứu bao gồm hơn 1,2 triệu thanh niên, từ 9 -21 tuổi, từ 21 quốc gia. Kết quả được công bố trên tạp chí Public Health cho thấy, các bé trai có xu hướng tiêu thụ nước tăng lực nhiều hơn các bé gái.
Các phát hiện cho thấy đồ uống có liên quan đến nguy cơ sức khỏe thể chất cao hơn, chẳng hạn như chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn mức trung bình, các vấn đề về nhịp tim và huyết áp cao. Những người trẻ tuổi uống nước tăng lực có nhiều khả năng có sức khỏe tâm thần kém và mắc chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống cũng như có ý định tự tử. Một số nghiên cứu được đưa vào tổng quan cũng nhấn mạnh rằng nhóm này có nguy cơ cao hơn về thói quen lối sống không lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, hút thuốc lá điện tử và chất lượng giấc ngủ kém.
Các tác dụng phụ đáng lo ngại khác bao gồm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn, đi tiểu thường xuyên và sâu răng. Tiến sĩ Shelina Visram, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng của Đại học Newcastle và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những phát hiện cho thấy nước tăng lực có thể dẫn đến căng thẳng tâm lý và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ. Đây là những mối quan tâm sức khỏe cộng đồng quan trọng cần được giải quyết. Đã đến lúc chúng ta phải hành động đối với lĩnh vực đang phát triển nhanh nhất của thị trường nước giải khát này".
Giáo sư Amelia Lake, giáo sư dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng tại Đại học Teesside, cho biết: "Chúng tôi đã nêu lên mối lo ngại về tác động sức khỏe của những đồ uống này trong suốt một thập kỷ sau khi phát hiện ra rằng chúng được bán cho trẻ em 10 tuổi. Bằng chứng rõ ràng rằng nước tăng lực – kể cả các sản phẩm được gắn mác “lành mạnh” - có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên cũng như hành vi và giáo dục của chúng. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro này".