Theo đại diện EVN, tại khu vực Kon Tum, Gia Lai, EVN đang quản lý 4 nhà máy thủy điện, với tổng công suất 1.420MW gồm Nhà máy thủy điện Pleikrông công suất 100MW, Nhà máy thủy điện Ialy công suất 720MW, Nhà máy thủy điện Sê San 3 công suất 240MW và Nhà máy thủy điện Sê San 4 công suất 360MW.
Hiện nay, trên địa bàn, EVN đang làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng công suất 360MW sử dụng lượng nước xả thừa để phát điện và làm nhiệm vụ điều chỉnh tần số, điều chỉnh điện áp đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.
Dự án được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 10/01/2018; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt để quyết định đầu tư tại văn bản số 1382/UBQLV-NL ngày 19/9/2019 và Hội đồng thành viên EVN phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 384/QĐ-EVN ngày 27/9/2019.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 6/2021. Hiện dự án đang vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại tỉnh Gia Lai. Việc chậm chuyển mục đích sử dựng đất rừng làm ảnh hưởng lớn đến công tác thi công kênh dẫn dòng Nhà máy và tuyến đường dây 500 kV đấu nối.
Ngoài ra, theo Tờ trình số 6328/TTr-BCT ngày 13/10/2022 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì các máy thủy điện nêu trên do EVN quản lý làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng mở rộng gồm Dự án Nhà máy thủy điện Sê San 3 mở rộng công suất 130MW, Dự án Nhà máy thủy điện Sê San 4 mở rộng công suất 120MW dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2026 – 2030.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý dự án Điện 2 kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến với UBND tỉnh Gia Lai sớm hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dựng đất rừng và bàn giao đất để các đơn vị thi công có thể triển khai thi công các hạng mục đảm bảo tiến độ dự án.
Về vướng mắc thủ tục chuyển đổi đất rừng, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết sẽ làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và có ý kiến với Chính phủ để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc nhằm triển khai hạng mục thi công kịp thời. Hiện dự án còn tiềm ẩn một số nguyên nhân khách quan về tiến độ cung cấp vật tư thiết bị đang chậm hơn so với kế hoạch, vì vậy EVN và Ban Quản lý dự án Điện 2 cần đốc thúc nhà thầu sớm bàn giao thiết bị để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
Về giá vật liệu xây dựng tăng cao gây khó khăn cho các nhà thầu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này và cả các dự án khác để có đề xuất phù hợp nhằm tạo điều kiện hoạt động thuận lợi nhất cho các nhà thầu nhằm đạt lợi ích chung cho đất nước.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính kịp thời, các nhà thầu cần chia nhỏ các gói thầu để sau khi hoàn thiện có thể thanh toán được ngay, cùng với đó phải sớm hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán để chủ đầu tư có thể giải ngân kịp thời.