Ngày 18/4/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023”.
TĂNG TRƯỞNG HẠN CHẾ
Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, khối Công Thương địa phương còn một số hạn chế, như: Mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ; nhiều địa phương tăng trưởng thấp (thậm chí tăng trưởng dưới 1%) do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn; ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp chậm tiến độ…
Tính chung quý 1/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Có 48 địa phương có IIP quý 1/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý 1/2023 ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%). Trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). “Điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Ngô Quang Trung nhận định.
Phân tích nguyên nhân suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của các địa phương, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cho rằng do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, trong nước sức mua dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất.
Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép… Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, còn tồn tại sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau... gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Một số quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 06 quy hoạch ngành quốc gia, 01 quy hoạch vùng và một số quy hoạch tỉnh), tuy nhiên, còn nhiều quy hoạch chưa được phê duyệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022.
CẦN THÊM CÁC GÓI HỖ TRỢ
Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, ngành công thương dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 của toàn ngành cả năm phấn đấu tăng khoảng 8-9% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến tăng khoảng 8-9% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.
Để đạt các mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng sẵn sàng thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ trách nhiệm của Bộ để góp phần tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn đối với địa phương, các doanh nghiệp để bứt phá khỏi tình trạng trì trệ và khó khăn như hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.
Đề nghị các địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ...).
Đồng thời quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án xuất khẩu chính ngạch để khai mở và tận dụng các thị trường cho hàng hóa của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, cần có những gói tài chính hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các khu, cụm công nghiệp tại các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp, tạo điều kiện thuận lợi hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật góp phần đẩy mạnh sản xuất công nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua hoạt động khuyến công quốc gia góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động tại địa bàn nông thôn.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào quản lý, điều hành doanh nghiệp, mở rộng tìm kiếm đối tác, thị trường, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn để quảng bá hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp.
Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đề xuất, cần có thêm các gói hỗ trợ để doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất.
Sử dụng nguồn từ các gói hỗ trợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động với các điều kiện dễ tiếp cận hơn và kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2023.
Mặt khác, ban hành thêm các quy định và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn cụ thể như: giảm thuế, miễn các loại phí, lệ phí, giảm tải áp lực lên doanh nghiệp,...
Có chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn thu nhập không ổn định. Có thể sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ công nhân (nhất là doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, dệt may, da giày bị suy giảm đơn hàng mạnh).