"Con gái tôi 18 tuổi năm nay vào đại học, khi làm thủ tục vẫn phải sao hơn chục cái giấy khai sinh nộp khắp nơi?", Phó trưởng đoàn đại biểu Nam Định, Nguyễn Anh Sơn nói khi góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước công dân, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 8/9.
Ví dụ này được ông Sơn đưa ra trong bối cảnh dự thảo luật vẫn rối bời, từ tên gọi cho đến phạm vi điều chỉnh và nhiều quy định cụ thể, cũng như chưa thể có câu trả lời thật thỏa đáng cho câu hỏi: thẻ căn cước công dân có thay thế giấy khai sinh được không, và sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ?
Vậy nên, từ chính thực tế với người nhà, đại biểu Sơn lo ngại về số tiền không nhỏ phải bỏ ra để cấp hàng chục triệu thẻ căn cước, mà có thể vẫn không thay thế hoàn toàn được nhiều loại giấy tờ cá nhân khác.
Trước nhiều ý kiến còn rất khác nhau khi thảo luận ở kỳ họp Quốc hội thứ 7 ngay từ tên gọi của dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, tên gọi thẻ căn cước công dân phù hợp với bản chất, nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ là từ khi công dân sinh ra cho đến khi chết khác với việc cấp chứng minh nhân dân hiện nay chỉ cấp cho công dân từ 15 tuổi trở lên.
Đồng tình quy định cấp thẻ căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc này góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất từ khi sinh ra, giảm giấy tờ và khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.
Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lập luận này dường như chưa đủ thuyết phục.
Đề nghị vẫn giữ giấy khai sinh cho trẻ em, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cho rằng với quy định như dự thảo luật thì hàng năm đều phải cấp mới hàng triệu thẻ căn cước, và hiệu quả sử dụng là không có.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh đặt câu hỏi, tại sao hiện nay bao nhiêu văn bản đang ghi là chứng minh nhân dân mà luật lại không gọi là Luật Chứng minh nhân dân. Theo ông Minh, căn cước là từ Hán chưa được Việt hóa, người dân không phải ai cũng hiểu.
"Giấy khai sinh có tội tình gì mà gọi nó là căn cước?", ông Minh băn khoăn.
Chứng minh thư và thẻ căn cước khác nhau cái gì, chứng minh nhân dân đã quá thân quen gần gũi, nên lấy tên là luật chứng minh nhân dân, một vị đại biểu nữ góp ý.
Một số vị đại biểu cũng cho rằng, không có lý do gì bắt nhân dân đóng phí khi cấp thẻ căn cước, vì dân đã làm tất cả nghĩa vụ rồi.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh - cơ quan thẩm tra dự án luật - đại biểu Hồ Trọng ngũ cho rằng, không nên đặt vấn đề có cần thẻ căn cước hay không nữa. Theo giải thích của ông Ngũ, thẻ căn cước đi liền với việc cấp số định danh và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cho việc quản lý xã hội thuận tiện hơn nhiều.
Không thể kỳ vọng thẻ căn cước thay thế hoàn toàn các giấy tờ công dân khác, ông Ngũ cho rằng vấn đề đặt ra là giảm bớt thủ tục và giảm bớt phiền hà cho dân. Vị đại biểu này cũng phân tích, đến 2020, khi cơ sở dữ liệu quốc gia vận hành và phổ cập khắp toàn quốc thì sổ hộ khẩu không cần thiết nữa.
Liên quan đến quan điểm liệu có cần ghi "nguyên quán" trong lý lich, ông Ngũ giải thích đây là "thông lệ và truyền thống pháp lý", người con sinh ra luôn lấy nguyên quán của cha. Điều này giúp tìm được gốc tích của con người.
Và việc ghi nguyên quán nhìn ở góc độ bảo đảm an ninh quốc gia sẽ thấy quan trọng hơn ở góc nhìn xã hội.
Trước băn khoăn về lộ trình thay đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định thời gian có hiệu lực của luật từ 1/1/2016, thống nhất với thời gian có hiệu lực của Luật Hộ tịch.
Trong thời gian từ khi luật có hiệu lực đến khi đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào khai thác, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, đề nghị cho phép Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, quyết định việc thực hiện các quy định mới về cấp, quản lý thẻ căn cước công dân cho phù hợp.
Đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận việc công dân sử dụng một trong ba loại giấy tờ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, thẻ căn cước công dân để giao dịch là có giá trị pháp lý như nhau, khắc phục các hiện tượng gây phiền hà, sách nhiễu công dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate