Kể từ khi một chủng cúm mới được phát hiện vào năm 2020, dịch cúm gia cầm H5N1 đã lây lan nhanh và ảnh hưởng đến những loài chim hoang dã ở tất cả các bang của Mỹ, cũng như ở các trại chăn nuôi gia cầm thương mại và đàn gia cầm nuôi tại nhà. Tuy nhiên, gần đây đã phát hiện các trường hợp nhiễm virus này ở động vật có vú, cụ thể là trong các đàn gia súc tại 4 bang. Ngày 1/4, các quan chức y tế liên bang Mỹ đã ghi nhận một người nuôi bò sữa ở bang Texas nhiễm virus H5N1.
NHIỀU QUỐC GIA LÊN TIẾNG
Tiến sĩ Suresh Kuchipudi, chuyên gia nổi tiếng về cúm gia cầm ở Pittsburgh, đã đưa ra cảnh báo trong một cuộc họp gần đây rằng “chúng ta đang tiến gần đến điểm nguy hiểm mà virus này có thể gây ra một đại dịch”. Theo chuyên gia này, virus H5N1 là loại virus đe dọa gây ra đại dịch nhất và nguy cơ này đang ngày một rõ rệt và trên quy mô trên toàn cầu. Người tổ chức hội thảo trên, ông John Fulton, đồng thời là người sáng lập công ty dược phẩm BioNiagara có trụ sở tại Canada, cũng bày tỏ lo ngại rằng đại dịch H5N1 “có thể tồi tệ gấp 100 lần so với Covid-19”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 52% số ca nhiễm H5N1 kể từ năm 2003 đã tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở số người nhiễm Covid-19 hiện chỉ là 0,1%, còn tại thời điểm bùng phát đại dịch, tỷ lệ tử vong là khoảng 20%. Cơ quan An toàn Thực phẩm (FSA) cho biết: “Nếu virus H5N1 có khả năng lây lan giữa người với người, thì việc lây nhiễm trên quy mô lớn hoàn toàn có thể xảy ra vì chưa có miễn dịch với chủng virus H5 ở người”. Nhằm chặn nguy cơ lây lan, Mỹ đã thử nghiệm và đã bào chế được 2 loại vaccine được cho là ứng cử viên phù hợp để phòng ngừa H5N1.
Trước đó, ngày 3/4, Cơ quan An toàn Thực phẩm của Liên minh châu Âu (EFSA) đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch cúm gia cầm trên diện rộng nếu virus này lây lan ở người do con người thiếu khả năng miễn dịch với chủng này. Cúm gia cầm đang tiếp tục lây lan trong các quần thể chim hoang dã ở Liên minh châu Âu (EU).
Theo các nhà khoa học có nhiều yếu tố có thể khiến virus lây lan hiệu quả ở người, do đó làm tăng khả năng gây đại dịch. Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, các chủng mới mang đột biến tiềm năng để thích nghi với động vật có vú có thể xảy ra.
Sự lây lan của cúm gia cầm sang ngày càng nhiều loài và phạm vi địa lý ngày càng mở rộng đã làm tăng nguy cơ con người bị nhiễm virus này, người đứng đầu Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), bà Monique Eloit cho biết. Mặc dù số lượng các đợt bùng phát đã thấp hơn trong mùa này, nhưng virus đã lây lan sang các khu vực mới, bao gồm cả Nam Mỹ và Nam Cực, đồng thời tấn công một số lượng lớn động vật. Cáo là loài động vật có vú bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cúm gia cầm, nhưng virus này cũng lây nhiễm sang hàng chục loài khác bao gồm cả mèo, hổ, hải cẩu, cá heo và gấu.
Người đứng đầu tổ chức có trụ sở tại Paris này nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Trong vài tháng qua, chúng tôi đã có một loạt động vật có vú đa dạng và phong phú bị nhiễm bệnh. Thật đáng lo ngại nếu sự lây lan này sang các loài động vật khác. Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều loài và nhiều động vật bị lây nhiễm, do đó tải lượng virus nhất định phải cao hơn và có nguy cơ lây nhiễm sang con người”.
Sự lây truyền cúm A/H9 xảy ra thông qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh, dịch tiết đường hô hấp của chúng hoặc môi trường bị ô nhiễm, theo tờ Times Of India. Virus có thể tồn tại trong nước và trên các bề mặt, góp phần làm lây lan trong và giữa các đàn gia cầm. Theo WHO, tiếp xúc với virus A/H9 có thể dẫn đến nhiễm trùng từ các triệu chứng nhẹ giống như cúm hoặc viêm mắt đến bệnh hô hấp cấp tính nặng hoặc tử vong. Khi nhiễm cúm A/H9, các triệu chứng ban đầu tương tự như các triệu chứng của các loại virus cúm khác, có thể gồm sốt, ho, đau họng và khó thở.
BỐ Y TẾ VIỆT NAM CẢNH BÁO NGUY CƠ
Tại Việt Nam, trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên là bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Sau khi ghi nhận đây là ca mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam, ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Viện Pasteur TP.HCM. Theo đó, Cục đề nghị ngành y tế Tiền Giang điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm.
Cục cũng yêu cầu Viện Pasteur TP.HCM khẩn trương tiếp tục điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới, tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm virus... Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa và thời tiết có nhiều thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
Ngày 5/4, Cục Thú Y và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1) khi phát hiện chủng virus tái tổ hợp trên gà và ngan được phát hiện thông qua giám sát chủ động tại Việt Nam. Việc tái tổ hợp này không chỉ cho thấy khả năng thích ứng của virus trên người mà còn hiện hữu nguy cơ về sự xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
- Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
- Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 129 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao loại A (H5N1), trong đó có 65 trường hợp tử vong.