April 02, 2024 | 16:14 GMT+7

Vaccine giúp người bệnh ung thư gan có một sự chọn lựa mới

Hoài Phương -

Trong các loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao, ung thư gan xếp hạng đầu với 92%, cao hơn rất nhiều so với ung thư vú hay lao phổi. Bệnh này xuất hiện nhiều ở các nước châu Á, trong 100.000 dân có 8 người mắc...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 30 và 31/3 vừa qua, Hội nghị khoa học kỹ thuật Đại học Y Dược TP.HCM đã diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế. Hội nghị là diễn đàn trao đổi, cập nhật và cung cấp thông tin khoa học mới nhất từ kết quả nghiên cứu của Đại học Y Dược TP.HCM được tổ chức định kỳ hằng năm.

Năm nay, hội nghị chọn lọc giới thiệu 125 báo cáo tại 17 phiên chuyên đề là các nghiên cứu nổi bật của Nhà trường và các đơn vị y tế liên quan, được trình bày bởi các chuyên gia y tế trong và ngoài nước. Trong Phiên toàn thể với chủ đề “Ung thư: cách tiếp cận đa mô thức”, PGS.TS Đào Ý Doãn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý gan của trường Đại học Y khoa Johns Hopkins (JHU COE) tại Việt Nam, đã trình bày bài báo cáo với tựa đề “Liver Cancer Prevention Strategies in Vietnam: Hep B Elimination and Liver Cancer Early Detection” (Chiến lược phòng chống ung thư gan ở Việt Nam: Loại bỏ bệnh viêm gan B và phát hiện sớm ung thư gan).

Theo PGS.TS Đào Ý Doãn, nếu tăng tỷ lệ chẩn đoán ung thư gan sớm lên 95%, hay phương pháp chữa trị hiệu quả được nâng lên 95% thì tỷ lệ người bệnh sống sau 5 năm vẫn rất thấp, chỉ 27%. Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư gan còn rất cao. Tuy nhiên, việc tầm soát phát hiện ung thư sớm vẫn rất cần thiết, để cải thiện tỷ lệ sống cho người bệnh.

PGS.TS Đào Ý Doãn Đào Y Doãn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý gan của trường Đại học Y khoa Johns Hopkins.
PGS.TS Đào Ý Doãn Đào Y Doãn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý gan của trường Đại học Y khoa Johns Hopkins.

Đối với người bệnh ung thư gan ở giai đoạn tiến triển, những loại thuốc điều trị mới nhất trên thị trường vẫn không thể đáp ứng được. Họ thường tử vong trong vòng 6 - 18 tháng, sau khi được chẩn đoán. PGS Doãn cho hay ở Việt Nam, có 70% ca ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B mạn tính (HBV). Bên cạnh đó, đa số các trường hợp ung thư gan ở nước ta được chẩn đoán vào giai đoạn có triệu chứng nặng. Do đó, bệnh lý này vẫn đang là một thách thức lớn với ngành y tế Việt Nam.

Để giảm gánh nặng này, chiến lược tối ưu được chuyên gia đưa ra là loại bỏ virus viêm gan B và thúc đẩy nghiên cứu các phương pháp phát hiện sớm ung thư. Song song việc tầm soát và điều trị sớm cho những trường hợp nguy cơ, các bác sĩ và nhà nghiên cứu khoa học luôn tìm hướng đi để điều trị tốt nhất cho những người bị ung thư gan.

Theo PGS Đào Ý Doãn, một nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Y khoa Johns Hopkins đang thực hiện nghiên cứu vaccine điều trị ung thư gan. Loại vaccine này dùng để khống chế và kiểm soát tế bào ung thư, tiến đến loại bỏ nó ra khỏi cơ thể. Khi một người bị ung thư, hệ miễn dịch sẽ phát hiện tế bào ung thư và chống lại, một số người chống thành công, một số người thì không. Vaccine sẽ đóng vai trò kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư.

Vaccine được điều chế dựa trên chính cơ địa của người bị ung thư. Tức là, các nhà nghiên cứu sẽ lấy kháng nguyên từ khối u của bệnh nhân, tách chiết rồi truyền trở lại cho họ giúp tạo kháng thể tiêu diệt tế bào ung thư. PGS Doãn cho biết kết quả nghiên cứu ở giai đoạn 2a, ghi nhận 8/34 bệnh nhân đáp ứng toàn phần sau khi sử dụng vaccine. Nghiên cứu đang tiếp tục được thực hiện ở giai đoạn 2b, mở rộng thành chương trình nghiên cứu đa quốc gia và đa trung tâm.

Ở Việt Nam, có 70% ca ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B mạn tính (HBV).
Ở Việt Nam, có 70% ca ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B mạn tính (HBV).

Trước đó, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 từng cho biết: "Ung thư gan là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay ở trên thế giới cũng như Việt Nam. Ở nước ta, ung thư gan vượt trên cả ung thư phổi, ung thư vú về tỷ lệ mắc cũng như tử vong, với con số ước tính hơn 26.000 ca mắc hàng năm và con số gần tương tự về tử vong".

Trường Y của Đại học Johns Hopkins nổi tiếng về các nghiên cứu y học nói chung, đặc biệt về chuyên ngành gan mật. Trường tiên phong trong nhiều lĩnh vực như sử dụng Biomarkers, nghiên cứu về miễn dịch trong chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư gan. PGS.TS Đào Ý Doãn cho biết từ trước khi Covid-19 diễn ra, Trung tâm nghiên cứu bệnh gan đã thiết lập kho lưu trữ virus dựa trên dữ liệu của hàng nghìn cá nhân đã mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh viêm gan siêu vi B, C mạn tính. Mục tiêu mà Trung tâm hướng đến là khám phá ra các dấu ấn sinh học tiềm năng để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.

Là một người Mỹ gốc Việt, PGS Doãn thật sự mong muốn qua hội nghị, chuyên gia của 2 nước sẽ cùng nhau thực hiện mục tiêu này. “Vaccine giúp người bệnh ung thư gan có một sự chọn lựa mới, một tia hy vọng mới. Chúng tôi mong muốn sẽ phối hợp với Việt Nam để cùng tham gia nghiên cứu, đưa vaccine từ Đại học Y khoa Johns Hopkins về đây”, PGS Doãn nói.

Trên thế giới, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Advanced Science phát hiện vaccine phòng bệnh lao Bacillus Calmette-Guérin (BCG), có khả năng thu nhỏ khối u ung thư gan và kéo dài sự sống của chuột bị ung thư gan. Vaccine lao BCG vốn được coi là an toàn và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. 

Người dẫn đầu nghiên cứu, giáo sư, phó giám đốc nghiên cứu tại khoa Bệnh lý và Phòng thí nghiệm thuộc Trường Y Davis Health Đại học California (UC Davis Health - Mỹ), cho biết: Ung thư biểu mô tế bào gan rất khó điều trị và thường không đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây cho thấy vaccine BCG có thể kích thích phản ứng miễn dịch.

Vì vậy, trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học tại Đại học California đã thử nghiệm tiêm 1 liều vaccine BCG cho chuột bị ung thư gan. Và thật ngạc nhiên, kết quả cho thấy vaccine BCG có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể và thu nhỏ khối u, đồng thời cũng giúp giảm cả tình trạng xơ gan, cải thiện chức năng gan, giảm mỡ gan.

Việc tầm soát phát hiện ung thư sớm rất cần thiết để cải thiện tỷ lệ sống cho người bệnh.
Việc tầm soát phát hiện ung thư sớm rất cần thiết để cải thiện tỷ lệ sống cho người bệnh.

Tương tự, trung tâm Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học (CIGB) của Cuba mới đây đã khẳng định hiệu quả của vaccine chống ung thư gan và buồng trứng HeberSaVax. CIGB cho biết HeberSaVax, còn được gọi là CIGB 247, là vaccine dạng tiêm được sử dụng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư buồng trứng ở giai đoạn tiến triển. Sau 10 năm thử nghiệm lâm sàng liên tục, các nhà nghiên cứu đã kết luận đây là một sản phẩm an toàn và dễ dung nạp, ít có phản ứng phụ.

Theo chuyên gia tiêu hóa - gan và bác sĩ nội soi Enrique Arús, Sorafenib, sản phẩm được cho là hàng đầu thế giới hiện nay trong điều trị ung thư gan và buồng trứng chỉ giúp kéo dài thời gian sống trung bình của người bệnh không quá sáu tháng. Trong khi đó, vaccine HeberSaVax của Cuba giúp kéo dài thời gian sống trung bình tới 11 tháng.

Tóm lại, phòng bệnh luôn luôn là ưu tiên hơn chữa bệnh, những phương pháp dự phòng ung thư gan cần lưu ý là: Tiêm phòng vaccine viêm gan B; Hạn chế rượu bia; Kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng/lần; Ăn uống khoa học, hoạt động thể lực thường xuyên...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate