April 27, 2022 | 06:00 GMT+7

Thêm nhiều nghiên cứu được công bố, hội chứng “long Covid” phổ biến tới mức nào?

Hoài Phương -

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tác động đến việc mắc hội chứng Covid-19 kéo dài. Việc hiểu rõ các nguy cơ này sẽ giúp các hệ thống chăm sóc y tế chuẩn bị kế hoạch ứng phó tốt hơn...

Hơn 43% số bệnh nhân Covid-19 trên thế giới mắc các triệu chứng Covid-19 kéo dài (long Covid). Trường Đại học Y tế công cộng Michigan (Mỹ) đã đưa ra con số này sau khi phân tích dữ liệu của 50 nghiên cứu và 1,6 triệu người. Giáo sư Bhramar Mukherjee tham gia nghiên cứu trên bày tỏ ngạc nhiên về kết quả phân tích trên.

Theo đó, giáo sư Mukherjee và các cộng sự đã nghiên cứu mức độ phổ biến của tình trạng này trên toàn cầu và khu vực từ đó tìm ra tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài sau 30, 60, 90, 120 ngày nhiễm bệnh lần lượt là 37%, 25%, 32% và 49%.

Xét theo khu vực, châu Á có tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài cao nhất, với 51%, tiếp đến là châu Âu, với 44% và Bắc Mỹ là 31%. Các triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi (23%) và các vấn đề về trí nhớ (14%). Tỷ lệ mắc hội chứng Covid-19 kéo dài ở những bệnh nhân không phải nhập viện là 34% và ở những người phải nhập viện điều trị là 54%. 

Trong khi đó, một nghiên cứu ở Anh cho thấy cứ 4 người mắc Covid-19 phải nhập viện, thì có chưa đến một người bình phục hoàn toàn sau một năm. Theo đó, nhóm nghiên cứu cảnh báo hội chứng long Covid-19 có thể trở thành hội chứng phổ biến. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine ngày 24/4.

Các nhà nghiên cứu phân tích hồ sơ bệnh lý của hơn 2.300 người mắc Covid-19 đã xuất viện tại 39 bệnh viện ở Anh trong thời gian từ tháng 3/2020 - 4/2021, sau đó đánh giá sự phục hồi của 807 bệnh nhân trong số này từ 5 tháng đến 1 năm sau đó. Kết quả cho thấy chỉ 26% trong số này đã hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng và tỷ lệ này tăng lên 28,9% sau 1 năm.

Bà Rachel Evans, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu y tế và Chăm sóc Quốc gia, cho biết nghiên cứu trên ghi nhận sự hạn chế rõ rệt trong việc phục hồi các triệu chứng bệnh, sức khỏe tâm thần, khả năng tập thể dục, suy giảm chức năng của các bộ phận trong cơ thể và chất lượng cuộc sống ở các bệnh nhân trên.

Xét theo khu vực, châu Á có tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng Covid kéo dài cao nhất, với 51%.
Xét theo khu vực, châu Á có tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng Covid kéo dài cao nhất, với 51%.

Đặc biệt, khả năng hồi phục hoàn toàn sau Covid-19 ở nữ giới thấp hơn 33% so với nam giới. Những bệnh nhân bị béo phì chỉ có 50% khả năng hồi phục hoàn toàn, trong khi đối với những người từng phải thở máy, tỷ lệ khỏi hoàn toàn thấp hơn 58%.

Một nghiên cứu khác gần đây cũng đã tiết lộ 8 triệu chứng phổ biến "tồn tại ít nhất 12 tháng" ở nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh. Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí về mầm bệnh Pathogens, dựa trên 18 bài báo báo cáo dữ liệu theo dõi 1 năm từ 8.591 người chữa khỏi Covid-19. Kết quả, theo nhật báo Anh Express, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 8 triệu chứng phổ biến nhất sau khi theo dõi 1 năm là: Mệt mỏi, suy nhược; Khó thở; Đau cơ khớp; Trầm cảm; Lo âu; Mất trí nhớ; Khó tập trung; Mất ngủ.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí khoa học Influenza and Other Respiratory Viruses thì tiến hành phân loại mức độ nghiêm trọng 8 triệu chứng của Covid-19 kéo dài. Trong đó, gần 31% người tham gia cho biết mệt mỏi là triệu chứng nghiêm trọng nhất, 20% khó thở, 9% khó tập trung. Ngoài ra, 31% có ít nhất một triệu chứng ở mức độ từ trung bình đến nặng, 4% bị khó ngủ và 11% bị mệt mỏi dai dẳng ở mức độ từ trung bình đến nặng, theo News Medical.

Các triệu chứng có thể không thay đổi hoặc có thể đến và đi theo từng đợt. Điều rõ ràng là tất cả các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các nhà nghiên cứu từ đó đưa đến kết luận: “Một lượng lớn những người chữa khỏi Covid-19 vẫn gặp phải các triệu chứng đến 1 năm sau”. Họ cũng nhấn mạnh nếu không có phương pháp điều trị hiệu quả, Covid-19 kéo dài có thể trở thành một hội chứng mới lâu dài và phổ biến.

Khả năng hồi phục hoàn toàn sau Covid-19 ở nữ giới thấp hơn 33% so với nam giới.
Khả năng hồi phục hoàn toàn sau Covid-19 ở nữ giới thấp hơn 33% so với nam giới.

Trong khi đó, một thử nghiệm điều trị do các nhà khoa học từ Đại học Cambridge (Anh) dẫn đầu, đã cho những người bị Covid-19 kéo dài dùng thực phẩm bổ sung và chế phẩm sinh học hằng ngày để hỗ trợ các triệu chứng dai dẳng của họ. Kết quả đã mang tính đột phá đối với những người tham gia.

Phương pháp điều trị mới này được dẫn dắt bởi Giáo sư Robert Thomas từ Bệnh viện Addenbrooke, Đại học Cambridge. Liệu pháp bao gồm một chế phẩm sinh học và một thực phẩm bổ sung, được theo dõi hằng ngày, bao gồm các lợi khuẩn. Tất cả các đối tượng trong nghiên cứu đều được sử dụng 1 viên men vi sinh probiotic lactobacillus. Ngoài ra, một nửa số người tham gia được uống thêm 1 viên thực phẩm cô đặc giàu dưỡng chất thực vật phytochemical. Và một nửa còn lại được dùng thêm giả dược.

Kết quả cho thấy tình trạng mệt mỏi và ho đã được cải thiện đáng kể ở toàn bộ những người tham gia được uống men vi sinh mỗi ngày. Riêng đối với nhóm dùng thêm dưỡng chất thực vật phytochemical, kết quả còn tốt hơn, theo Express. Từ đó, nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp điều trị bằng chất bổ sung sẽ "thay đổi cuộc sống" của người phải khốn khổ vì di chứng hậu Covid-19.

 

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết có 203 triệu chứng khác nhau của hậu Covid-19. Tại công văn gửi các tỉnh và cơ sở y tế trực thuộc ngày 22/4, Bộ Y tế thống kê một số triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực... Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng, tái phát theo thời gian.

Khi các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid19 khiến cho sức khỏe suy giảm kéo dài, giảm khả năng làm việc hoặc sinh hoạt bình thường, người dân cần đi khám. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa được khám hậu Covid-19 theo phạm vi chuyên môn và hướng dẫn được Bộ Y tế cho phép. Người dân không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không được cấp phép hoặc các bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate