November 03, 2021 | 14:34 GMT+7

Thị trường an ninh mạng đang nghiêng về doanh nghiệp Việt

Phạm Vinh -

Các doanh nghiệp an ninh mạng trong nước phấn đấu doanh thu tăng 35-45%/năm với thị trường đạt quy mô trên 500 triệu USD và thị phần đạt trên 50% vào năm 2025…

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa.

Thị trường an ninh mạng Việt Nam trước đây khá quen thuộc với các giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài nhưng hiện nay, “sân chơi” này đã khá cân bằng và có phần lợi thế nghiêng về các doanh nghiệp Việt Nam. 

 
"Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn an ninh mạng đạt trên 70%; tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt đạt 35 - 45%/năm. Thị trường đạt quy mô trên 500 triệu USD  và thị phần trong nước đạt trên 50%. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số An toàn thông tin toàn cầu (GCI) và top 3 ASEAN".
Cục An toàn thông tin- Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin- Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu như năm 2015, tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn thông tin, an ninh mạng của Việt Nam chỉ chiếm 5%, thì đến năm 2020 đạt 91%; năm 2021 ước đạt 100%. Ngoài ra, tỷ lệ doanh thu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam so với sản phẩm nước ngoài tăng từ 18% (năm 2015) lên 45% (năm 2020); năm 2021 là hơn 50%. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhấn mạnh: “Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Mà muốn làm tốt việc này, thì chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Chúng ta phải xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh”. 

Mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành cường quốc an toàn an ninh mạng với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, tạo niềm tin số, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng ra các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt 100%; tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn an ninh mạng đạt trên 70%; tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt đạt 35 - 45%/năm.

Ngoài ra, thị trường đạt quy mô trên 500 triệu USD; thị phần trong nước đạt trên 50%. Đồng thời, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số An toàn thông tin toàn cầu (GCI) và top 3 ASEAN.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho biết ngoài sự ủng hộ của Chính phủ, bộ ban ngành như văn bản số 2085/BTTTT-CATTT khuyến khích sử dụng sản phẩm, giải pháp “Make in Việt Nam” và giới thiệu 25 sản phẩm, giải pháp an toàn an ninh mạng tiêu biểu của doanh nghiệp trong nước. Các sản phẩm này cũng đã nhận được phản hồi tích cực. Đây là cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng… có thể an tâm lựa chọn sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

“Muốn phát triển thị trường, tăng số doanh nghiệp, thì phải mở rộng quy mô người dùng, trong đó, người dùng tin cậy, uy tín nhất chính là khối khách hàng Chính phủ, doanh nghiệp”, ông Phúc chia sẻ.

 
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện tỷ lệ đầu tư cho an toàn thông tin ở nước ta còn thấp, chiếm khoảng 5% tổng mức đầu tư cho công nghệ thông tin (trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước là 15 - 20%). Bộ Thông tin và Truyền thông đang thúc đẩy tỷ lệ này lên khoảng 20%.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate