Ấn Độ từ lâu đã là quê hương của những tỷ phú hàng đầu châu Á. Nổi bật có thể kể đến ông trùm lọc dầu Mukesh Ambani – người sở hữu một tòa tháp 27 tầng ở Mumbai, được coi là một trong những ngôi nhà đắt nhất thế giới. Hay tỷ phú Gautam Adani, người có khối tài sản lớn thứ hai châu Á... Bên cạnh đó, một tầng lớp mới gồm các doanh nhân, giám đốc điều hành và nhà giao dịch giàu có hiện đang mở rộng thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ.
Theo Bloomberg, mức chi tiêu tiêu dùng tại Ấn Độ đang ngày càng tăng cao, với tiềm năng trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới vào năm 2027. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chững lại và Bắc Kinh siết chặt tầng lớp tỷ phú, Ấn Độ lại đang tự khẳng định mình là điểm nóng tiếp theo của châu Á về chi tiêu xa xỉ, nhờ thị trường chứng khoán tăng trưởng đều đặn và đầu tư nước ngoài tăng vọt.
Tương tự như một vài quốc gia, Ấn Độ giới hạn số tiền mà người giàu có thể mang ra khỏi đất nước. Theo dữ liệu từ JATO Dynamics India, một công ty tư vấn dữ liệu ô tô, điều này đã giúp thúc đẩy doanh số bán ô tô hạng sang tăng 32% vào năm 2022 so với một năm trước đó. Doanh số bán hàng trong sáu tháng đầu năm 2023 dẫn đầu bởi dòng xe Mercedes Benz E-Class.
Trong khi đó, bãi đậu xe bên ngoài Trung tâm thương mại DLF Emporio cao cấp ở New Delhi chật cứng xe BMW và Mercedes. Bên trong trung tâm thương mại, cửa hàng Rolex đã cháy hàng và danh sách chờ cho một số kiểu dáng kéo dài tới 18 tháng, với những chiếc đồng hồ vàng có giá lên tới 28.000 USD là dòng sản phẩm được đặt hàng nhiều nhất. Năm ngoái, hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã chính thức khai trương cửa hàng mới tại thành phố Raipur.
Nhà bán lẻ xa xỉ thuộc sở hữu của LVMH, Bulgari đang lên kế hoạch tổ chức triển lãm đồng hồ và trang sức của mình tại Lucknow. Thương hiệu xa xỉ Lotus de Vivre của Thái Lan, vốn coi hoàng gia Ấn Độ là một trong số các khách hàng của mình, đang chuẩn bị một cuộc triển lãm vào đầu năm tới tại Ludhiana, một thành phố công nghiệp ở miền Bắc bang Punjab, nơi có hơn hai triệu dân. Một chiếc túi xách lụa Nhật Bản với họa tiết lấy cảm hứng từ con công, những viên kim cương cắt hoa hồng và ngọc bích chạm khắc có thể có giá khoảng 57.750 USD.
Công ty tư vấn toàn cầu EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26.000 tỉ USD vào năm 2047. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt mức 15.000 USD và xu hướng tiêu dùng của người dân nơi đây tăng dần những giá trị xa xỉ. Dự báo này khiến nhiều thương hiệu xa xỉ toàn cầu ngày càng tăng đầu tư vào Ấn Độ.
Cụ thể, trung tâm mua sắm Jio World Plaza dự kiến khai trương trong năm nay, hiện đã có nhiều thương hiệu danh tiếng đăng ký thuê gian hàng như: Burberry, LVMH, Kering và Richemont, Cartier, Bulgari, Louis Vuitton, Dior và Gucci, IWC Schaffhausen, Rimowa…
Anuj Kejriwal, Giám đốc điều hành Anarock Retail tại Ấn Độ, cho biết: "Trước đây, các thương hiệu cao cấp luôn khó giành được không gian bán lẻ ở Ấn Độ. Nhiều thương hiệu buộc phải liên kết với các khách sạn cao cấp mới có không gian để mở cửa hàng. Nhưng hiện nay nhiều trung tâm mua sắm cao cấp đang mọc lên ở Ấn Độ và những thương hiệu cao cấp ngày càng xuất hiện nhiều".
Cụ thể như trung tâm Galeries Lafayette dự kiến sẽ khai trương vào năm 2024, có hơn 200 thương hiệu cao cấp và thiết kế riêng. Thực tế, Louis Vuitton hiện đã có 4 cửa hàng tại Ấn Độ, Cartier có 2 cửa hàng, Dior có 3 cửa hàng… và các thương hiệu vẫn không ngừng mở rộng hệ thống ở Ấn Độ. Anurag Mathur, đối tác Bain & Company ở New Delhi, cho biết: "Đại dịch khiến việc đi lại bị hạn chế và người Ấn Độ đã thay đổi thói quen tiêu dùng, dần mua những hàng hóa xa xỉ ở quê nhà".
Công ty Knight Frank's dự báo vào năm 2027, có khoảng 1,66 triệu người ở Ấn Độ được dự đoán sẽ sở hữu tài sản ròng hơn 1 triệu USD. Nhóm những người có tài sản ròng 30 triệu USD được dự báo sẽ tăng gần 60% trong 5 năm kể từ 2022. Do đó, Ấn Độ đang trở thành thị trường xa xỉ hấp dẫn các thương hiệu thời trang cao cấp.
Ông Anul Sareen, Giám đốc dự án tại công ty nghiên cứu thị trường chiến lược Euromonitor International, nhận định: "Khi nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng lên 5.000 tỉ USD trong vài năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Điều này chắc chắn sẽ thu hút ngày càng nhiều thương hiệu đầu tư vào thị trường".
Giám tuyển thời trang Prasad Bidapa tự tin rằng Ấn Độ sẽ chiếm lĩnh thị trường toàn cầu trong những năm tới. "Khảo sát tình trạng thời trang năm 2023" của McKinseyBusiness về thời trang cho thấy Ấn Độ có triển vọng tăng trưởng 35%—cao hơn Trung Quốc ba điểm phần trăm,” ông này nói. Còn trên trang luxurysociety.com, Abhay Gupta, người sáng lập Luxury Connect và là tác giả của The Incredible Indian Luxury Bazaar, viết rằng Ấn Độ dự kiến sẽ là một trong những thị trường xa xỉ phát triển nhanh nhất trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, việc mở quy mô thị trường xa xỉ ở Ấn Độ sẽ không dễ dàng bởi thị trường này đang thiếu không gian bán lẻ. Thêm vào đó, ngành thời trang và mỹ phẩm tại Ấn Độ đang phát triển nhanh với sự ra đời của nhiều thương hiệu nội địa. Do đó, các thương hiệu xa xỉ muốn xâm nhập thị trường Ấn Độ cần phải liên tục phân tích nhu cầu của người tiêu dùng tại đây và có những chiến lược đầu tư phù hợp, theo Vogue Business.
Ông Arvind Singhal, Chủ tịch công ty tư vấn bán lẻ Technopak Advisors, cho biết ở thời điểm hiện tại, các thương hiệu quốc tế đang nhắm đến khách hàng là những người giàu mới nổi ở Ấn Độ. Những người này có thể là các chuyên gia hoặc doanh nhân khởi nghiệp, không nhất thiết phải am hiểu về các thương hiệu. Có thể nói, hiện tại là thời điểm để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đối với các khách hàng lần đầu tham gia thị trường mua sắm hàng xa xỉ.
Bên cạnh thời trang, hoạt động kinh doanh các mặt hàng xa xỉ đã mở rộng sang các lĩnh vực khác tại Ấn Độ. Chẳng hạn, phân khúc cao cấp trong lĩnh vực bất động sản đã phục hồi nhanh nhất sau đại dịch. Công ty bất động sản DLF cho biết họ đã bán được 1.137 căn hộ cao cấp, có giá từ 70 triệu rupee (830.000 USD) trở lên, trong vòng 3 ngày vào tháng 3 tại Gurugram, một thành phố vệ tinh gần New Delhi.